Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế tuần từ 21-26/7
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá trong tuần qua, ECB giữ nguyên lãi suất hay thỏa thuận thuế quan củng cố kỳ vọng Nhật Bản tăng lãi suất trong năm nay... là một số diến biến tài chính tiền tệ toàn cầu đáng chú ý trong tuần từ 21 - 25/7.

Diễn biến thị trường tài chính tiền tệ quốc tế
Mỹ: Phố Wall lập đỉnh mới, hoạt động kinh doanh tăng tốc
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá trong tuần qua, đưa chỉ số S&P 500 và Nasdaq lên mức cao kỷ lục tuần thứ hai liên tiếp. Chỉ số Dow Jones tăng 1,26%, trong khi S&P MidCap 400 và Russell 2000 đều nhích hơn 0,9%. Nhóm cổ phiếu giá trị vượt trội so với nhóm tăng trưởng trong phần lớn thời gian của tuần, dù chênh lệch không lớn vào cuối phiên thứ Sáu.
Động lực chính thúc đẩy thị trường là các thông tin tích cực xoay quanh thỏa thuận thương mại. Nhà đầu tư hứng khởi trước loạt tin Mỹ đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, Indonesia và Philippines. Đồng thời, tiến triển trong đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trước thời hạn 1/8 - thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp thuế 30% lên hàng hóa EU cũng góp phần củng cố tâm lý lạc quan.
Trong khi đó, mùa báo cáo lợi nhuận tiếp tục với nhiều tên tuổi lớn, trong đó hai cổ phiếu thuộc nhóm “Magnificent Seven” ghi nhận diễn biến trái chiều. Alphabet, công ty mẹ của Google, tăng 4,38% sau kết quả vượt kỳ vọng và triển vọng tích cực với trí tuệ nhân tạo (AI). Ngược lại, cổ phiếu Tesla giảm 4,12% cả tuần do kết quả không đạt dự báo.
Hoạt động kinh doanh Mỹ tăng tốc nhờ dịch vụ
Theo chỉ số PMI sơ bộ tháng 7 do S&P Global công bố, hoạt động kinh doanh tại Mỹ tăng tốc mạnh khi bước sang quý III. Chỉ số PMI tổng hợp tăng 1,7 điểm lên 54,6, mức cao nhất trong 7 tháng. Sự mở rộng chủ yếu đến từ lĩnh vực dịch vụ, với PMI dịch vụ tăng từ 52,9 lên 55,2, trong khi PMI sản xuất giảm xuống 49,5, thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson nhận định: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đầu quý III gia tăng rõ rệt… Tuy nhiên, tăng trưởng thiếu đồng đều và phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực dịch vụ, trong khi sản xuất lại suy yếu do hiệu ứng từ đón đầu thuế quan đang mờ nhạt dần”.
Thị trường nhà ở vẫn ảm đạm vì lãi suất cao
Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR) cho biết doanh số nhà hiện hữu tháng 6 giảm 2,7% xuống mức hàng năm điều chỉnh theo mùa là 3,93 triệu căn. Giá bán trung vị đạt kỷ lục 435.300 USD/căn. Theo báo cáo, lãi suất thế chấp cao tiếp tục khiến thanh khoản bất động sản “mắc kẹt ở mức đáy theo chu kỳ”, trong khi nguồn cung thấp kéo dài nhiều năm đã đẩy giá lên mức đỉnh.
Thị trường trái phiếu và khoản vay doanh nghiệp sôi động
Trái phiếu Kho bạc Mỹ có lợi suất giảm nhẹ trong tuần, mang lại mức sinh lời dương khi thị trường đánh giá phát biểu từ hội nghị chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững tính độc lập của Fed.
Trái phiếu doanh nghiệp xếp hạng đầu tư vượt trội so với Kho bạc khi biên lợi suất thu hẹp cuối tuần. Hoạt động phát hành trái phiếu phù hợp kỳ vọng và phần lớn các đợt chào bán đều nhận được sự đăng ký vượt mức. Đáng chú ý, thị trường khoản vay ngân hàng chứng kiến ngày phát hành sơ cấp lớn thứ tư trong lịch sử vào thứ Hai, dù phần lớn là các thương vụ tái định giá.

Châu Âu: Tâm lý tích cực nhờ triển vọng thương mại, ECB giữ nguyên lãi suất
Chứng khoán châu Âu ghi nhận tuần tăng điểm, với chỉ số toàn khu vực STOXX Europe 600 tăng 0,54% tính theo đồng nội tệ. Sự lạc quan thận trọng về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa EU và Mỹ đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư, dù EU cảnh báo sẽ áp thuế trả đũa nếu không đạt được thỏa thuận.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất, trong khi các bình luận kèm theo được đánh giá là mang tính "diều hâu nhẹ", hỗ trợ đồng euro tăng giá so với USD. Trong các thị trường lớn của khu vực, chỉ số FTSE MIB của Ý tăng 1,03%, CAC 40 của Pháp tăng nhẹ, DAX của Đức giảm 0,30%, trong khi FTSE 100 của Anh tăng mạnh 1,43%.
Trong cuộc họp ngày 24/7, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở mức 2% sau tám lần cắt giảm kể từ tháng 6/2024, đúng như kỳ vọng của thị trường. ECB đánh giá lạm phát hiện tại đang ở mức mục tiêu trung hạn 2%, và nền kinh tế khu vực đồng euro đang vận hành đúng kỳ vọng hoặc tốt hơn. Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu vẫn đầy bất định, đặc biệt do căng thẳng thương mại.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh ngân hàng trung ương đang trong trạng thái “theo dõi và chờ đợi”, do ảnh hưởng từ các tranh chấp thương mại và chính sách thuế quan. Bà tái khẳng định cam kết của ECB với mục tiêu kiểm soát lạm phát và cách tiếp cận dựa trên dữ liệu. Những phát biểu cho thấy ECB sẽ không phản ứng với những sai lệch nhỏ so với mục tiêu lạm phát được giới phân tích đánh giá là thiên về thắt chặt.
Về số liệu kinh tế, hoạt động kinh doanh khu vực đồng euro tiếp tục mở rộng trong tháng 7. Chỉ số PMI tổng hợp sơ bộ HCOB Eurozone tăng lên 51,0 từ mức 50,6 trong tháng 6, phản ánh mức tăng nhẹ cả ở lĩnh vực dịch vụ và sản xuất. Niềm tin kinh doanh tại Đức tăng trong khi giảm ở Pháp.
Kinh tế Anh tiếp tục phát tín hiệu suy yếu
Tại Anh, dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng 0,9% so với tháng trước, thấp hơn kỳ vọng 1,2%, nhưng đã phục hồi so với mức giảm 2,8% trong tháng 5. Bất chấp thời tiết nắng ấm trong tháng 6, vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng, doanh số vẫn thấp hơn dự báo ở hầu hết các mặt hàng.
Chỉ số PMI tổng hợp sơ bộ tháng 7 của Anh do S&P Global công bố giảm từ 52,0 xuống còn 51,0. Trong đó, chỉ số PMI sản xuất tăng nhẹ, nhưng PMI dịch vụ lại giảm. Sự suy giảm mạnh của thăng dư việc làm phản ánh thị trường lao động đang yếu đi. Các chính sách tài khóa mới của chính phủ Anh, bao gồm việc tăng đóng góp an sinh xã hội của doanh nghiệp từ tháng 4 và ảnh hưởng từ thuế quan cao hơn, đã gây sức ép lên khu vực tư nhân.
Nhật Bản: Cổ phiếu bứt phá, kỳ vọng tăng lãi suất trở lại
Thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận mức tăng mạnh trong tuần, với chỉ số Nikkei 225 và chỉ số TOPIX cùng tăng 4,1%. Các nhóm ngành, đặc biệt là các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) trong lĩnh vực ô tô, tăng vọt sau khi Nhật Bản và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận thương mại.
Theo đó, phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Nhật vào Mỹ, bao gồm ô tô, sẽ chịu mức thuế 15%, thấp hơn nhiều so với mức 25% mà Mỹ từng đe dọa áp dụng. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ các khoản đầu tư trị giá khoảng 550 tỷ USD vào nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ, đồng thời mở cửa thị trường cho một số mặt hàng chủ lực của Mỹ.
Bối cảnh chính trị trong nước còn nhiều bất ổn
Bất ổn chính trị trong nước đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,59%, từ mức 1,53% cuối tuần trước. Sau khi liên minh cầm quyền giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Komeito mất thế đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử ngày 20/7, có nhiều đồn đoán rằng Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ từ chức, dù ông đã phủ nhận việc sẽ rời nhiệm sở sau khi kết thúc đàm phán thương mại với Mỹ.
Thỏa thuận thuế quan củng cố kỳ vọng tăng lãi suất trong năm nay
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) khu vực Tokyo - được xem là chỉ báo sớm cho xu hướng giá cả toàn quốc - tăng 2,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn dự báo 3,0% và giảm nhẹ so với mức 3,1% của tháng 6. Dù vậy, với lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và việc thỏa thuận thương mại với Mỹ giúp giảm bớt phần nào bất định về triển vọng kinh tế, giới đầu tư ngày càng kỳ vọng BoJ có thể tăng lãi suất thêm trong năm nay, sau lần nâng gần nhất hồi tháng 1.
Dữ liệu PMI sơ bộ cho thấy hoạt động kinh doanh lĩnh vực dịch vụ tại Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong tháng 7. Trong khi đó, PMI sản xuất sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ bất ổn thương mại. Tuy nhiên, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ hồi phục sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật được ký kết.
Trung Quốc: Cổ phiếu tăng mạnh nhờ kỳ vọng gia hạn thỏa thuận thương mại
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng điểm trong tuần qua, được thúc đẩy bởi kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ gia hạn thỏa thuận đình chiến thuế quan trước vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa hai nước. Chỉ số CSI 300 - đại diện cho các cổ phiếu blue-chip trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến - tăng 1,69%, trong khi chỉ số Shanghai Composite cũng tăng 1,67% tính theo nội tệ, theo dữ liệu từ FactSet. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 2,27%.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Stockholm, Thụy Điển trong tuần này để tiến hành vòng đàm phán thứ ba nhằm kéo dài hiệu lực của thỏa thuận thương mại hiện tại, vốn sẽ hết hạn vào tháng 8. Cuộc họp tại Stockholm diễn ra sau hai vòng đàm phán trước đó: vòng đầu tiên tại Geneva hồi tháng 5 đã dẫn đến việc tạm dừng áp thuế trong 90 ngày, và vòng thứ hai ở London tháng 6 đã giúp hai bên dỡ bỏ một phần kiểm soát xuất khẩu.
Thông tin về vòng đàm phán tại Stockholm đã thắp lên hy vọng rằng quan hệ thương mại Mỹ–Trung sẽ tiếp tục ổn định, sau khi căng thẳng leo thang vào tháng 4 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ áp thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, một động thái từng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời hoàn toàn.
Hungary: Giữ nguyên lãi suất giữa rủi ro lạm phát và kỳ vọng tăng trưởng
Ngân hàng Trung ương Hungary (NBH) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6,50% trong cuộc họp chính sách định kỳ vào thứ Ba. Mức trần của hành lang lãi suất (lãi suất cho vay qua đêm có thế chấp) vẫn ở mức 7,50%, trong khi mức sàn (lãi suất tiền gửi qua đêm) được giữ ở 5,50%.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, NBH nhận định môi trường kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn do căng thẳng thương mại và địa chính trị kéo dài, nhưng các gói chi tiêu mới được công bố tại EU và Mỹ có thể thúc đẩy tăng trưởng từ năm sau. Dù ghi nhận lạm phát đã giảm ở phần lớn các quốc gia trong nửa đầu năm, NBH vẫn cảnh báo các rủi ro lạm phát do thuế quan, giá thực phẩm toàn cầu tăng và chi phí dịch vụ thị trường vẫn duy trì ở mức cao.
Tại Hungary, ngân hàng trung ương cho biết nền kinh tế đã "đi ngang" trong quý I, và dữ liệu tần suất cao cho thấy hoạt động quý II vẫn yếu. Tuy nhiên, họ kỳ vọng tăng trưởng sẽ cải thiện nhờ các yếu tố nội tại và bên ngoài như tăng lương thực tế, giảm thuế và phục hồi kinh tế châu Âu.
Về lạm phát, NBH cho biết chỉ số CPI tháng 6 tăng lên 4,6% còn lạm phát lõi giảm xuống 4,4%, đồng thời thừa nhận các biện pháp kiểm soát giá, cả bắt buộc và tự nguyện đã góp phần kéo giảm áp lực giá. Sự vắng mặt của các biện pháp này cho thấy lạm phát tiềm ẩn vẫn cao, củng cố quyết định giữ nguyên lãi suất.
Thổ Nhĩ Kỳ: Giảm lãi suất nhưng vẫn giữ quan điểm thận trọng
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất repo kỳ hạn một tuần từ 46,0% xuống còn 43,0% trong cuộc họp chính sách hôm thứ Năm, gần như đảo ngược mức tăng 350 điểm cơ bản hồi tháng 4. Lãi suất cho vay qua đêm giảm từ 49,0% xuống 46,0%, còn lãi suất tiền gửi qua đêm giảm từ 44,5% xuống 41,5%.
Theo tuyên bố sau họp, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy dữ liệu gần đây cho thấy “tác động giảm phát từ điều kiện cầu đã tăng lên”, làm cơ sở cho động thái hạ lãi suất lần này. Tuy vậy, lập trường chính sách tiền tệ vẫn giữ thái độ thận trọng. Họ cho rằng kỳ vọng lạm phát và hành vi định giá “tiếp tục tạo rủi ro đối với quá trình giảm phát”, và nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ chặt chẽ “sẽ được duy trì cho đến khi đạt được ổn định giá cả”. Họ cũng kêu gọi sự phối hợp từ chính sách tài khóa để hỗ trợ mục tiêu này.