Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 21/7
Các tuyên bố về thuế quan sẽ tiếp tục hỗ trợ bạc xanh, thị trường chứng khoán Nhật Bản trong kỳ nghỉ lễ hay giá vàng tăng nhẹ... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng 21/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế
Thị trường ngoại hối
Đô la Mỹ tăng giá trong phiên giao dịch cuối tuần qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục làm rung chuyển bức tranh thương mại toàn cầu bằng việc tuyên bố loạt thuế quan mới và hé lộ kế hoạch áp mức thuế đồng loạt 15% hoặc 20% đối với hầu hết các đối tác thương mại.
Dù nhiều đồng tiền chính ban đầu giao dịch trong biên độ hẹp tại châu Á, bạc xanh sau đó bật tăng sau loạt phát ngôn mới nhất của ông Trump, làm dấy lên bất ổn xung quanh chính sách thương mại đang thay đổi liên tục của ông.
Đô la Canada (CAD) là một trong những đồng tiền chịu tác động mạnh nhất, giảm hơn 0,5% xuống 1,3726 USD/CAD, sau khi ông Trump thông báo sẽ áp mức thuế 35% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, bắt đầu từ ngày 1/8.
Ông Trump cũng cho biết Liên minh châu Âu có thể sẽ nhận được một văn bản chính thức về mức thuế vào thứ Sáu, khiến triển vọng đàm phán thương mại giữa Washington và Brussels bị đặt dấu hỏi.
Euro giảm 0,25% xuống còn 1,1671 USD, đang hướng tới mức giảm gần 1% trong tuần này.
Đô la Úc, một thước đo nhạy cảm với rủi ro, cũng mất 0,31% và giao dịch ở mức 0,6568 USD, khi tâm lý thị trường chuyển sang thận trọng.
“Các tiêu đề liên quan đến thuế quan trong tuần đã bị thị trường phần nào phớt lờ, nhưng riêng Canada thì khác... Tôi nghĩ thị trường hoàn toàn không chuẩn bị cho điều đó”, chuyên gia phân tích thị trường Tony Sycamore tại IG nhận định và thêm rằng: “Canada đang trở thành mục tiêu và rõ ràng đây không phải là cách mà chúng ta mong muốn kết thúc tuần giao dịch. Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu tài sản rủi ro tiếp tục chịu áp lực vì nguy cơ leo thang đang hiện hữu”.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết ông muốn tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho lời đe dọa áp thuế 50% của ông Trump đối với hàng hóa Brazil, nhưng khẳng định Brazil sẽ đáp trả tương xứng nếu thuế có hiệu lực từ ngày 1/8.
Đồng real Brazil gần như đi ngang ở mức 5,5321 USD/BRL, nhưng tính chung cả tuần trước, đồng tiền này đã giảm 2% - mức giảm mạnh nhất kể từ gần 5 tháng qua.
Ở các thị trường khác, bảng Anh giảm 0,22% xuống 1,3551 USD, xóa hết mức tăng nhẹ trước đó trong phiên, và dự kiến giảm hơn 0,6% trong tuần, trong khi đồng yên Nhật giảm 0,13% xuống 146,44 USD/JPY, chuẩn bị kết thúc tuần với mức giảm hơn 1% sau khi ông Trump áp thuế 25% đối với hàng hóa Nhật Bản hồi đầu tuần.
Dù phản ứng thị trường đối với loạt tuyên bố thuế quan mới nhất không hỗn loạn như đợt bán tháo hậu “Ngày Giải phóng” vào tháng Tư, các nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái căng thẳng khi chờ xem liệu hạn chót 1/8 của ông Trump có được thực thi hay không.
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến này sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD.
“Ở thời điểm hiện tại, sự bất định đang góp phần giữ đồng USD ổn định và tôi sẽ không quá ngạc nhiên nếu xu hướng này kéo dài thêm vài tuần nữa”, Ray Attrill, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB), nhận định.
Trên thị trường tiền số, bitcoin tăng 1,8%, lên 115.609,10 USD, tiệm cận mức đỉnh lịch sử 116.746,70 USD. Đồng ether cũng bứt phá hơn 4%, đạt 2.998,41 USD - mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày 21/7/2025.
Thị trường vàng
Phiên giao dịch sáng tại thị trường châu Á, giá vàng ghi nhận mức tăng nhẹ lên 3.350 USD/oz trong bối cảnh lo ngại gia tăng về triển vọng các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác trước thời hạn áp thuế của Mỹ vào ngày 1/8. Kim loại quý này được vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn của nhà đầu tư và sau khi một quan chức cấp cao của Fed đưa ra quan điểm ủng hộ việc Fed thực hiện cắt giảm lãi suất, thậm chí có thể thực hiện hạ 25 điểm cơ bản ngay trong tháng 7.
Giới đầu tư hiện đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed - Jerome Powell để có thêm thông tin định hướng.