Diễn biến nắng nóng trên đất liền, áp thấp nhiệt đới trên biển

Dự báo nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn kéo dài trong những ngày tới, có nơi nắng nóng gay gắt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh TTXVN

Nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh TTXVN

Thông tin từ ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/7, khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C như: Trạm Sông Mã (Sơn La) 36,3 độ C; trạm Sơn Động (Bắc Giang) 36,2 độ C; trạm Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 36,1 độ C; trạm Vinh (Nghệ An) 36,2 độ C; trạm Hương Khê (Hà Tĩnh) 36,2 độ C;...

Cơ quan khí tượng dự báo, từ 18 - 19/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50 - 55%.

Ngày 18/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55 - 60%. Ngày 19/7, khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 60 - 65%. Từ 20/7 nắng nóng ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ suy giảm dần.

Chuyên gia khí tượng khuyến cáo, do ảnh hưởng của nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ cao xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Ông Vũ Tuấn Anh lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 - 4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông lúc 14 giờ ngày 17/7/2025.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông lúc 14 giờ ngày 17/7/2025.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 17/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 126,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 61 km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15 - 20 km/giờ.

Cơ quan khí tượng dự báo, trong 24 - 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào khu vực Biển Đông.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông từ chiều ngày 18/7 có gió mạnh lên cấp 6 - 7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,5 - 3,5m, biển động. Cảnh báo tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Thế Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dien-bien-nang-nong-tren-dat-lien-ap-thap-nhiet-doi-tren-bien-20250717155024695.htm
Zalo