Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 21/6

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý về chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 21/6/2024.

Ukraine có thể mời Nga tham gia hội nghị hòa bình tiếp theo: Trợ lý của Tổng thống Ukraine, ông Andrey Yermak đã đề cập khả năng mời Nga tham gia hội nghị hòa bình tiếp theo sau hội nghị ở Thụy Sĩ cuối tuần trước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia cho “công thức hòa bình” mà ông đề xuất. Tuy nhiên, hội nghị ở Thụy Sĩ đã không đem lại kết quả như ông mong muốn khi nhiều nước từ chối ký vào thông cáo cuối cùng, một số nước thậm chí đã rút lại chữ ký trên văn bản này.

Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo D-30 về phía Nga tại khu vực Kherson. Ảnh: Reuters

Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo D-30 về phía Nga tại khu vực Kherson. Ảnh: Reuters

Khúc mắc lớn Nga – Ukraine và quyết định của các nước Bán cầu Nam tại Thụy Sĩ: Nga và Ukraine được cho là vẫn tiếp tục giao tranh trong tương lai gần sau khi một hội nghị quốc tế được kỳ vọng là bước đầu tiên nhằm hướng tới hòa bình không đạt được đột phá ngoại giao đáng kể.

Mỹ sắp đưa tên lửa Patriot thế hệ mới đến chiến trường Ukraine: Hôm 19/6, hãng tin Blick của Thụy Sĩ đưa tin, hệ thống tên lửa Patriot thế hệ mới PAC-3 do Mỹ sản xuất cho Thụy Sĩ sẽ được vận chuyển đến chiến trường Ukraine, giữa lúc quân đội Kiev đang cạn kiệt kho dự trữ vũ khí.

Theo Blick, Thụy Sĩ có đơn đặt hàng trị giá 340 triệu USD với Washington cho biến thể tên lửa PAC-3. Các nguồn tin cho rằng Mỹ đã quyết định trì hoãn việc giao hàng đến Thụy Sĩ và thay vào đó, gửi loạt tên lửa thế hệ mới đến Ukraine.

Tiêm kích F-16 do Mỹ cung cấp sẽ chỉ được triển khai ở Ukraine: Trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức PBS, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ kế hoạch về tiêm kích F-16 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm vào tuần trước.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố, các máy bay chiến đấu F-16 do Washington chuyển cho Kiev sẽ chỉ được triển khai trên lãnh thổ Ukraine.

Người đứng đầu tiếp theo của NATO có ý nghĩa gì với xung đột ở Ukraine?: Mark Rutte - Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm có khả năng trở thành người đứng đầu NATO tiếp theo, có mối quan hệ tốt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới quan sát cho rằng điều này có thể giúp NATO thoát khỏi bế tắc với Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, bất kể ai giành được Nhà Trắng.

Trước đó, ngày 18/6, truyền thông Hà Lan đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Mark Rutte sẽ trở thành Tổng thư ký mới của NATO, thay thế ông Jens Stoltenberg - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-216-post1102767.vov
Zalo