Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2025: Bùng nổ và đa dạng
Chưa bao giờ số phim Việt cán mốc trăm tỷ trở lên lại bùng nổ như nửa đầu năm 2025. Phòng vé chứng kiến cuộc đua ngang tài ngang sức của những tay đạo diễn kỳ cựu lẫn gương mặt mới toanh. Điều này khiến thị trường điện ảnh nội địa sôi động và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Theo thống kê sơ bộ của Box Office Vietnam - đơn vị theo dõi phòng vé độc lập, 6 tháng đầu năm, doanh số từ phim Việt đạt hơn 1.800 tỷ đồng (chiếm gần 2/3 tổng doanh thu 3.000 tỷ từ các phòng vé trên toàn quốc). Con số này đã ngang ngửa mức 1.900 tỷ đồng mà điện ảnh Việt thu về trong cả năm 2024. Đây là bước nhảy vọt đáng kinh ngạc cho thấy mức sinh trưởng thần tốc của điện ảnh trong nước.

Phim “Nhà gia tiên” của đạo diễn Huỳnh Lập cán mốc 240 tỷ đồng.
Tính sơ sơ đã có đến 9 phim Việt vượt mốc trăm tỷ gồm: “Nụ hôn bạc tỷ” của Thu Trang (thu về khoảng 210 tỷ đồng), “Bộ tứ báo thủ” của Trấn Thành (330 tỷ), “Nhà gia tiên” của Huỳnh Lập (240 tỷ), “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam (105 tỷ), “Quỷ nhập tràng” của Pom Nguyễn (149 tỷ), “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (172 tỷ), “Lật mặt 8: Vòng tay nắng” của Lý Hải (231 tỷ). Mới đây nhất, gia nhập “câu lạc bộ trăm tỷ” còn có “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của đạo diễn Victor Vũ với 248 tỷ đồng.
Những con số này ngoài sức tưởng tượng của các nhà làm phim. Những năm trước đây, số phim có được vinh dự này đếm chưa quá một bàn tay khi tổng kết một năm. Vậy mà giờ mới chỉ có vài tháng, phim Việt đã lập nên kỳ tích.
Trước đây, phim của đạo diễn Trấn Thành và Lý Hải độc chiếm thị trường với doanh thu vượt xa đối thủ (khoảng 500 tỷ/mỗi phim) thì giờ miếng bánh ấy đã chia đều cho các phim còn lại. Những con số doanh thu xêm xêm nhau, không phim nào bỏ quá xa phim nào, chứng tỏ các phim đều ngang tài ngang sức về độ thu hút khán giả. Những gương mặt kỳ cựu có Victor Vũ, Trấn Thành, Lý Hải thì giờ đây những tân binh trong giới đạo diễn như Thu Trang, Huỳnh Lập, Hoàng Nam, Pom Nguyễn... cũng làm nên chuyện.
Lần đầu dấn thân ở vai trò đạo diễn, Thu Trang đã trở thành nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt chạm mốc doanh thu 200 tỷ đồng. Nhìn vào hiện tượng này, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhận định: “Các bộ phim sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, không ngại những tên tuổi lớn lấn át. Khi thị trường ai cũng cạnh tranh để làm phim tốt hơn thì khán giả là người được hưởng lợi”.
Trong 6 tháng đầu năm, phòng vé đã có đến 19 phim Việt ra mắt. Dù đề tài tâm linh - kinh dị vẫn ăn khách trong nửa đầu năm (như “Đèn âm hồn”, “Nhà gia tiên”, “Quỷ nhập tràng”...) nhưng nhìn nhận kỹ sẽ dễ thấy phim Việt thời gian qua rất đa dạng đề tài. Hài hước, lãng mạn có “Bộ tứ báo thủ”, “Nụ hôn bạc tỷ”. Trinh thám cổ trang có “Thám tử Kiên”.
Thể loại chính kịch, đề tài gia đình có “Lật mặt 8”. Phim chiến tranh cách mạng có “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Ở dòng phim hoạt hình, màn bạc chào đón sự ra mắt của “Dế Mèn phiêu lưu ký” và “Trạng Quỳnh: Truyền thuyết Kim Ngưu”. Phim tài liệu âm nhạc có “Anh trai say hi”, “Vietnamese concert film: Chúng ta là người Việt Nam”, “Anh trai vượt ngàn chông gai: Mưa lửa”...
Nếu dòng tâm linh - kinh dị đi sâu vào những câu chuyện văn hóa, dân gian gây ám ảnh, từ đó truyền đi thông điệp về tình người thì những phim hài hước, chính kịch lại mang tiếng cười sảng khoái rất đời từ câu chuyện của mỗi gia đình. Các phim đều chăm chút từ khâu hình ảnh, bối cảnh đến trang phục, diễn xuất.
Sức lan tỏa và âm vang của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã khiến khán giả có cái nhìn khác về dòng phim chiến tranh, cách mạng. Đó là khi dòng phim này không còn bị xem là cỗ máy tuyên truyền khô khan, mô phỏng chiến tranh đơn thuần, mà đó thực sự đưa thế hệ hôm nay chạm vào chiến tranh, chạm vào máu thịt, tinh thần bất khuất của cha ông xưa.
Sự đa dạng của phim Việt cho thấy thị hiếu thưởng thức của công chúng ngày càng phong phú và nâng cao. “Khán giả ngày nay không giới hạn thị hiếu của mình vào một dòng phim cố định mà cởi mở tiếp nhận những cách làm phim mới mẻ, những góc nhìn đa dạng. Trong kỷ nguyên mạng xã hội, họ không chỉ thưởng thức phim mà còn chủ động tham gia vào quá trình tạo dựng giá trị cho bộ phim thông qua việc chia sẻ cảm nhận, lan truyền cảm xúc. Từ đó tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, góp phần tác động đến xu hướng của thị trường” - nhà biên kịch Tuấn Anh phân tích.

Một cảnh trong phim hoạt hình “Dế Mèn phiêu lưu ký”.
Những yêu cầu và đòi hỏi khó tính của khán giả buộc nhà làm phim phải tự nâng cấp mình, không ngừng tìm tòi sáng tạo để không bị tụt hậu trong nền công nghiệp điện ảnh đang phát triển như vũ bão. Đồng thời, nó cũng giúp thanh lọc những phim có chất lượng tồi, làm chỉ để ăn theo. Những phim làm ẩu, lạm dụng PR bẩn đều bị lên án đến nỗi phải rút khỏi phòng vé.
Điển hình có “Tìm xác: Ma không đầu” và “Âm dương lộ”. “Tìm xác: Ma không đầu” dù có doanh thu tạm ổn nhưng những lời chỉ trích của khán giả về nội dung khiên cưỡng, tình huống phi lý khiến phim phải dừng chiếu để chỉnh sửa. “Âm dương lộ” thì bị khán giả kêu gọi tẩy chay vì dùng xe cứu thương chở diễn viên đến buổi họp báo ra mắt phim. So với số phim thành công, phim Việt thất thu trong nửa đầu năm nay khá khiêm tốn và chỉ xảy ra với phim có chất lượng kém.
Dù doanh thu chưa hẳn là bảo chứng cho chất lượng nhưng đó là tín hiệu tích cực cho thấy phim Việt đang chiếm lại thị phần và sẵn sàng so găng sòng phẳng, đánh bại những đối thủ ngoại quốc nặng ký từng lấn át mình trên sân nhà. Khán giả đã có sẵn tâm lý “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Nên khi “hàng Việt” ngang cơ với “hàng ngoại” ở vẻ bề ngoài và mang đậm tinh thần dân tộc ở chiều sâu bên trong thì “hàng ngoại” chắc chắn bị knock-out.
Chính vì thế mà thời gian gần đây, dù khai thác bất cứ thể loại và chủ đề nào, các nhà làm phim vẫn rất chú trọng đến chất Việt. Những phim thành công giòn giã đều được xây dựng trên nền tảng này. Nếu những năm trước, phim remake (làm lại kịch bản phim nước ngoài) khuấy đảo thì bây giờ dạng phim này gần như vắng bóng, nhường sân hoàn toàn cho phim có kịch bản thuần Việt trăm phần trăm.
Bên cạnh đó, nếu để ý kỹ sẽ thấy trước đây phim Việt hay “gặt” doanh thu theo mùa. Cao điểm thường tập trung vào thời gian Tết Nguyên đán, dịp lễ 30/4, Tết Thiếu nhi 1/6, Halloween, Giáng sinh... Nhưng, nay thời thế đã đổi. Các phim ra mắt lần lượt dàn đều trong năm, không tập trung vào một thời điểm vàng. Thế mà gần như phim nào cũng thắng. Với khán giả, cứ phim hay họ sẽ ủng hộ, bất kể là thời gian nào.
Sự bùng nổ của phòng vé Việt còn cho thấy tiềm năng đáng kinh ngạc của thị trường phim nội địa. Dù đã trưng trổ nhiều chủ đề và thể loại, nhưng phim Việt vẫn còn những miền đất hứa chưa được nhiều người khai thác. Nếu dòng phim hài nhảm, hài hước - lãng mạn, kinh dị hay chủ đề gia đình gần gũi, bình dân đã và đang “làm mưa làm gió” thì những chủ đề, thể loại hấp dẫn khác như dã sử, huyền sử, hoạt hình, khoa học viễn tưởng... vẫn chưa có nhiều tác phẩm. Do đó, tương lai của những thể loại này rất rộng mở, nhất là khi nó chạm đến tinh thần tự hào dân tộc.
Việc phim Việt liên tiếp thắng lớn không chỉ trở thành cú hích mạnh mẽ cho các nhà làm phim thừa thắng xông lên, mà còn là liều thuốc giúp các nhà đầu tư mạnh dạn dốc hầu bao vào điện ảnh để khai mở tiềm năng ở những mảnh đất hoang.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhấn mạnh: “Là một nhà làm phim, tôi nghĩ điều đầu tiên cần hướng đến là sự phát triển bền vững thông qua việc tạo ra những kịch bản thuyết phục hơn nữa, đặc biệt là các câu chuyện về cuộc sống đương đại và những giá trị lịch sử đang bị lãng quên, chờ được đánh thức. Một khi có những câu chuyện mang đủ bản sắc và dấu ấn Việt Nam, chắc chắn chúng sẽ được đón nhận bởi khán giả quốc tế. Đó chính là con đường để điện ảnh Việt không chỉ đứng vững trong nước mà còn vươn xa, có mặt trong cuộc đối thoại lớn hơn về nghệ thuật, bản sắc và thời đại”.
Thực tế, sự thành công của “Quỷ nhập tràng” có một phần đóng góp rất lớn từ công tác quảng bá và khởi chiếu ở nước ngoài song song trong nước. Đây là bài học bổ ích để các nhà phát hành có thể áp dụng trong tương lai nhằm vừa tăng doanh thu, vừa tăng cơ hội quảng bá nền điện ảnh Việt nói riêng và con người, đất nước Việt Nam nói chung.