Điểm tuần: Hai chuyên gia AI rời Apple sang Meta, hé lộ giá của điện thoại iPhone gập
Những thông tin công nghệ nổi bật tuần qua gồm Thêm hai 'bộ não' AI rời Apple, gia nhập Meta; Apple trụ vững nhờ thị trường mới nổi, Samsung tăng tốc với Galaxy AI trong quý II/2025; Google nâng cấp Tìm kiếm với AI Gemini 2.5 Pro
Thêm hai "bộ não" AI rời Apple, gia nhập Meta
Hai chuyên gia AI cấp cao của Apple, Mark Lee và Tom Gunter, đã rời công ty để gia nhập Meta, cụ thể là bộ phận Superintelligence Labs do Pang dẫn dắt. Cả hai từng là thành viên chủ chốt của nhóm Foundation Models tại Apple, và từng làm việc trực tiếp với Pang tại Cupertino. Việc họ gia nhập Meta tiếp nối sau thương vụ đình đám của Pang, người đã ký hợp đồng trị giá hơn 200 triệu USD với công ty này.
Mark Lee là nhân sự đầu tiên được Pang tuyển chọn khi xây dựng nhóm AI tại Apple, còn Tom Gunter là kỹ sư kỳ cựu, có tầm ảnh hưởng lớn trong các dự án nội bộ. Sau khi rời Apple, Gunter từng làm việc ngắn hạn tại một startup trước khi chuyển đến Meta.

Meta chiêu mộ thêm hai giám đốc điều hành AI của Apple (Ảnh: AP News).
Tham vọng AI của Meta đang ở mức cao chưa từng có, với chiến lược tuyển dụng dồn dập từ các đối thủ như Apple, OpenAI và Google. Trong khi đó, Apple đang đối mặt với những tranh cãi nội bộ về chiến lược AI và tinh thần làm việc giảm sút, khiến nhiều kỹ sư mất động lực. Meta đã nhanh chóng tận dụng thời điểm này để thu hút nhân tài, đẩy mạnh cuộc đua AI với các ông lớn công nghệ.
OpenAI ra mắt ChatGPT Agent
OpenAI vừa ra mắt ChatGPT Agent, một trợ lý AI mới có khả năng suy nghĩ chủ động và thực hiện tác vụ trên máy tính thay người dùng. Đây là bước tiến tiếp theo trong dòng sản phẩm ChatGPT, giúp mở rộng khả năng tương tác với dữ liệu và ứng dụng bên ngoài.
ChatGPT Agent có thể thực hiện nhiều công việc như nghiên cứu, tạo báo cáo, viết mã, lập bảng tính, thiết kế slide, kết nối nền tảng khác… Agent hoạt động thông qua một “máy tính ảo”, có thể duyệt web, yêu cầu đăng nhập khi cần và tóm tắt thông tin đã thu thập.

OpenAI ra mắt ChatGPT Agent, trợ lý AI có khả năng hành động thay người dùng. (Ảnh: MacRumors).
Điểm nổi bật là hệ thống luôn xin phép trước khi thực hiện các hành động lớn, cho phép người dùng bổ sung hoặc dừng lệnh giữa chừng. Agent có thể hỗ trợ từ chuẩn bị tài liệu họp, nấu ăn, đến phân tích đối thủ và tạo slide thuyết trình.
Hiện tính năng đã có trên gói Pro, sắp triển khai cho Plus và Team. Người dùng có thể chọn “agent mode” để sử dụng. Gói Pro có 400 lượt mỗi tháng, các gói còn lại có 40 lượt, kèm tùy chọn nâng cấp bằng tín dụng.
iPhone gập có thể trở thành mẫu điện thoại đắt nhất của Apple
Mẫu iPhone màn hình gập của Apple được cho là sẽ ra mắt vào năm sau, với giá khởi điểm từ 1.800–2.000 USD (khoảng 45–50 triệu đồng), trở thành chiếc điện thoại đắt nhất từ trước đến nay của Apple, vượt cả iPhone Pro Max và MacBook Pro bản tiêu chuẩn.

iPhone màn hình gập sẽ có giá khoảng từ 1.800 - 2.000 USD. (Ảnh: MacRumors).
Thiết bị được dự đoán sẽ cạnh tranh trực tiếp với Galaxy Z Fold 7 của Samsung và được định vị ở phân khúc cao cấp. Nhiều thông tin rò rỉ từ mạng xã hội Weibo cho biết iPhone gập sẽ có độ dày 4,8mm khi mở hoàn toàn, dày hơn một chút so với Fold 7 (4,2mm), và vẫn chưa đạt độ mỏng như kỳ vọng (4,5mm) của Ming-Chi Kuo.
Theo Kuo, Apple dự kiến sản xuất hàng loạt từ cuối năm 2026, nhưng thiết bị có thể được giới thiệu chính thức trong năm 2025. iPhone gập được cho là sẽ có màn hình chính 7,8 inch, màn hình phụ 5,5 inch, cụm camera kép phía sau, một camera trước và cảm biến vân tay Touch ID tích hợp nút nguồn thay vì Face ID.
Apple trụ vững nhờ thị trường mới nổi, Samsung tăng tốc với Galaxy AI trong quý II/2025
Theo báo cáo của IDC, trong quý II năm 2025, Apple đã xuất xưởng 46,4 triệu chiếc iPhone, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Dù gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc khi sản lượng giảm 1%, Apple vẫn duy trì tăng trưởng nhờ vào sức mua mạnh tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Đây là những khu vực có tầng lớp trung lưu đang mở rộng và nhu cầu sở hữu thiết bị cao cấp lần đầu ngày càng lớn.

Top 5 hãng smartphone toàn cầu quý 2/2025: Samsung dẫn đầu, Apple giữ vững vị trí thứ hai. (Ảnh: IDC).
Chiến lược tập trung vào phân khúc cao cấp, kết hợp với hệ sinh thái sản phẩm ổn định và mở rộng thị trường, giúp Apple trụ vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Trong khi đó, Samsung dẫn đầu toàn cầu với 58 triệu thiết bị xuất xưởng, tăng 7,9%, nhờ các dòng Galaxy A tích hợp AI nhưng có giá phải chăng. Xiaomi giữ vị trí thứ ba, tiếp theo là vivo và Transsion.
IDC nhận định Apple đang tái cấu trúc trọng tâm thị trường, chuyển hướng tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển. Với chiến lược này, cùng việc mở rộng các dịch vụ số như iCloud và App Store, Apple có tiềm năng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh thị trường smartphone toàn cầu vẫn còn nhiều biến động.
Google nâng cấp Tìm kiếm với AI Gemini 2.5 Pro và tính năng gọi doanh nghiệp
Google vừa nâng cấp công cụ Tìm kiếm với việc tích hợp mô hình Gemini 2.5 Pro vào Chế độ AI, mang đến khả năng xử lý các truy vấn phức tạp như suy luận logic, giải toán và hỗ trợ lập trình. Người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa trợ lý mặc định và bản Pro qua một menu mới trong giao diện tìm kiếm, giúp cá nhân hóa trải nghiệm.
Cùng với đó, tính năng Tìm kiếm Sâu (Deep Search) cũng được mở rộng, hỗ trợ người dùng thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu bằng cách quét hàng trăm trang web và tạo bản tóm tắt chi tiết dựa trên Gemini 2.5 Pro. Tính năng này hiện có tại Mỹ cho người dùng đăng ký gói Google AI Pro hoặc Ultra.

Gemini 2.5 hiện đã có sẵn trong chế độ AI của Tìm kiếm (Ảnh: Google).
Một cập nhật đáng chú ý khác là khả năng gọi điện cho doanh nghiệp bằng AI. Google có thể thay người dùng liên hệ các cửa hàng để hỏi thông tin giá cả, còn hàng hay không, sau đó trả kết quả lại dưới dạng tóm tắt. Dịch vụ này giúp tiết kiệm thời gian và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tiếp cận khách hàng tốt hơn.
Những nâng cấp này cho thấy Google đang từng bước biến công cụ Tìm kiếm thành trợ lý AI chủ động, hỗ trợ người dùng phân tích, ra quyết định và hành động hiệu quả hơn, thay vì chỉ cung cấp kết quả từ khóa như trước.
Meta đầu tư hàng trăm tỷ USD xây siêu cụm AI
CEO Meta, Mark Zuckerberg, vừa công bố kế hoạch đầu tư “hàng trăm tỷ USD” vào hạ tầng tính toán phục vụ AI. Cụm siêu máy tính đầu tiên – Prometheus – sẽ đi vào hoạt động năm 2026, đánh dấu bước tiến lớn của Meta trong tham vọng dẫn đầu cuộc đua AI.
Theo Meta, các siêu cụm (supercluster) là hệ thống tính toán cực lớn, thiết kế riêng cho việc huấn luyện mô hình AI và xử lý dữ liệu khổng lồ. Ngoài Prometheus, Meta đang xây dựng nhiều cụm khác, trong đó có Hyperion với công suất dự kiến đạt 5 gigawatt.

Mô hình trung tâm dữ liệu hiện đại của Meta. (Ảnh: Rawpixel).
Meta đẩy mạnh đầu tư AI trong thời gian gần đây, như chi 14 tỷ USD vào Scale AI và thành lập tổ chức Meta Superintelligence Labs quy tụ các chuyên gia AI hàng đầu thế giới. Công ty cũng đang mở rộng tuyển dụng để phát triển năng lực nội bộ.
Động thái này phản ánh sự không hài lòng của Zuckerberg với tốc độ phát triển AI hiện tại, nhất là sau khi Llama 4 ra mắt không như kỳ vọng. Để cạnh tranh với OpenAI, Google, ông tập trung cải tổ và xây dựng đội ngũ AI tinh hoa, theo đuổi mục tiêu tạo ra trí tuệ siêu việt.