Điểm tựa vững chắc trong gỡ 'thẻ vàng' IUU

Những năm qua, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm , được toàn xã hội đồng lòng thực hiện. Tại thành phố Huế, Bộ đội Biên phòng đã và đang đóng vai trò nòng cốt, kiên trì triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu, bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

BĐBP thành phố Huế kiểm tra thủ tục hành chính và tuyên truyền đối với chủ tàu cá Lê Văn Thanh (thôn Đông Dương, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) trước khi ra khơi khai thác thủy sản. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

BĐBP thành phố Huế kiểm tra thủ tục hành chính và tuyên truyền đối với chủ tàu cá Lê Văn Thanh (thôn Đông Dương, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) trước khi ra khơi khai thác thủy sản. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trên tuyến biển dài 126km của thành phố Huế, những bước chân của các chiến sĩ Biên phòng chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trong nhiệm kỳ 2020–2025, Bộ đội Biên phòng thành phố Huế đã tổ chức 24 đợt tuần tra trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm trên biển. Sự hiện diện thường trực của lực lượng Biên phòng đã góp phần răn đe, ngăn chặn tình trạng tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU được Bộ đội Biên phòng thành phố Huế xác định là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai linh hoạt và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đại úy Lê Hữu Bường, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Thuận An, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết, các chiến sỹ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành trình, thiết bị giám sát hành trình, vùng tuyến đăng ký theo quy định,luôn lắng nghe, nắm bắt khó khăn của ngư dân để kịp thời hỗ trợ, đề xuất phương án tháo gỡ hợp lý.

Những buổi tuyên truyền nhỏ tại cảng cá, hội nghị cộng đồng, bản tin phát thanh đơn giản trên loa truyền thanh xã, tất cả đều nhằm mục tiêu lan tỏa nhận thức, nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc chấm dứt tình trạng khai thác trái phép. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng thành phố Huế đã kêu gọi thành công 236 tàu cá có nguy cơ vi phạm trở về vùng biển Việt Nam, vận động 289 chủ tàu và thuyền trưởng viết cam kết không khai thác IUU. Ghi nhận thực tế cho thấy, địa phương chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử lý theo nội dung này – một tín hiệu tích cực, khẳng định hiệu quả tuyên truyền đã đi vào chiều sâu.

Đặc biệt, mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn” đã trở thành điểm sáng nổi bật ở thành phố Huế với 101 tổ tàu thuyền an toàn, thu hút 1.404 ngư dân tham gia. Họ là lực lượng hỗ trợ cứu hộ, “tai mắt” quan trọng giúp lực lượng Biên phòng phát hiện và xử lý vi phạm. Các tổ giúp nhau trong lúc khẩn cấp trên biển mà còn tuyên truyền, nhắc nhở thành viên cùng chấp hành quy định pháp luật. Các tổ còn phối hợp chặt chẽ với đồn Biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn môi trường khai thác an toàn, lâu dài trên biển. Chỉ tính riêng địa bàn Đồn Biên phòng cảng Thuận An, các tổ đã thông tin, phối hợp với Bộ đội Biên phòng cứu hộ thành công 9 tàu bị nạn với 88 thuyền viên; phát hiện và phối hợp xử lý 7 tàu cá khai thác sai vùng tuyến. Mô hình đang được nhân rộng, trở thành cầu nối hiệu quả giữa ngư dân và lực lượng Biên phòng.

Những con tàu rời bến hôm nay không chỉ mang theo hy vọng về những mẻ cá đầy khoang mà còn là biểu tượng cho một sự chuyển biến về nhận thức. Nhờ sự đồng hành kiên trì và tận tâm của Bộ đội Biên phòng, bà con ngư dân đã hiểu rằng, khai thác đúng quy định không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho mai sau mà còn giữ vững hình ảnh, uy tín quốc gia trước cộng đồng quốc tế.

Hơn ai hết, những người lính nơi đầu sóng thấm thía rằng muốn gỡ được “thẻ vàng” không chỉ cần văn bản và kiểm tra, mà cần nhất là niềm tin và sự đồng thuận từ cộng đồng ngư dân. Vì vậy, mỗi cuộc tuần tra, đối thoại, buổi tuyên truyền đều hướng đến xây dựng mối quan hệ gắn bó, trách nhiệm giữa “người lính giữ biển” và “người dân giữ nghề”.

Tại Đại hội Đảng bộ Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Huế nhiệm kỳ 2025–2030 diễn ra ngày 13-14/7, Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Huế, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cho biết, trong nhiệm kỳ mới, đơn vị đặt trọng tâm đổi mới toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, duy trì hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, đơn vị tập trung các hoạt động phòng, chống khai thác IUU; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho ngư dân trong thực hiện các quy định IUU. Đơn vị cũng đổi mới toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển theo pháp luật, hiệp định, quy chế, đây chính là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt. Tất cả đều hướng tới xóa bỏ hoàn toàn các hành vi khai thác trái phép, tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” và xây dựng hình ảnh quốc gia có nghề cá phát triển bền vững.

Những chiến sĩ Biên phòng thành phố Huế là chỗ dựa tin cậy của ngư dân mỗi lần vươn khơi, lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống khai thác IUU, nhân tố quan trọng trong nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng”, vì một nền thủy sản Việt Nam phát triển bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Mai Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/diem-tua-vung-chac-trong-go-the-vang-iuu-20250715200816605.htm
Zalo