Điểm trung bình thấp không phải đề thi thất bại
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố phổ điểm, điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng, đề thi đã chuyển trọng tâm từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực thực chất của học sinh, phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ phổ điểm 12 môn thi tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cho thấy, trừ 2 môn thi đầu tiên được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ chưa có dữ liệu để đối sánh và môn Vật lý, điểm trung bình các các môn thi năm nay nhìn chung đều giảm so với năm 2024. Trong đó, môn Toán có điểm trung bình thấp nhất trong số 12 môn thi tốt nghiệp THPT với 4,78 điểm, thấp hơn nhiều so với 6,45 điểm của năm 2024. Môn Ngữ văn có điểm trung bình là 7,0, giảm nhẹ so với 7,23 điểm của năm 2024.
Môn Hóa học có điểm trung bình là 6,06 điểm, giảm so với mức 6,68 điểm của năm 2024. Môn Sinh học có điểm trung bình là 5,78 điểm, giảm so với mức 6,28 điểm của năm 2024. Điểm trung bình môn Lịch sử là 6,52 điểm, giảm nhẹ so với 6,57 điểm của năm 2024. Điểm trung bình môn Địa lý là 6,63 điểm, giảm so với mức 7,19 điểm của năm 2024. Môn Giáo dục Kinh tế và pháp luật, tiền thân là Giáo dục công dân có điểm trung bình là 7,69 điểm, giảm so với mức điểm 8,16 của năm 2024.
Riêng môn Vật lý, điểm trung bình là 6,99 điểm, tăng nhẹ so với mức 6,67 điểm của năm 2024.

Năm 2025, cả nước có hơn 15.000 bài thi đạt điểm 10.
Môn Tin học có điểm trung bình là 6,78 điểm. Môn Công nghệ- Công nghiệp có điểm trung bình là 5,79 điểm và môn Công nghệ- Nông nghiệp có điểm trung bình là 7,72 điểm. Đây là những môn lần đầu tiên được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Đáng chú ý, trong số 12 môn thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, số bài thi đạt điểm 10 là hơn 15.300, tăng mạnh so với gần 11.000 điểm 10 của năm 2024. Trong đó, môn Địa lý có tới hơn 6.900 bài thi đạt 10. Xếp sau đó là môn Vật lý với 3.930 điểm 10. Môn Lịch sử xếp thứ 3 với 1.518 điểm 10. Môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật có 1.451 điểm 10.
Số điểm 10 môn Hóa học là 625; môn Toán có 513 bài thi đạt điểm 10. Môn Tiếng Anh có 141 bài thi đạt điểm 10; môn Sinh học có 82 bài thi đạt điểm 10. Môn Tin học có 60 bài thi đạt điểm 10; môn Công nghệ - Nông nghiệp có 101 bài thi đạt điểm 10 và Công nghệ-Công nghiệp có 4 bài thi đạt điểm 10. Riêng môn Ngữ văn, năm nay không có bài thi nào đạt điểm 10.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Khi theo dõi phổ điểm năm nay, cá nhân tôi thực sự bất ngờ "vì đề thi được xây dựng tốt hơn tôi kỳ vọng".
Theo GS Đức, môn Toán vốn là "thước đo" năng lực tư duy đã thể hiện rõ tính phân hóa. Điểm trung bình thấp không phải thất bại, mà cho thấy đề thi yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất và biết vận dụng thay vì học thuộc. Đặc biệt, đề thi không dễ dãi, cũng không đánh đố mà phân loại học sinh rõ rệt - đó là điểm rất đáng ghi nhận. Ở môn Ngữ văn, theo GS Đức, tuy là môn tự luận với đổi mới cách ra đề, không có ngữ liệu quen thuộc trong sách giáo khoa nhưng năm nay phổ điểm vẫn cao, cho thấy hướng ra đề đã phù hợp với trình độ học sinh phổ thông. Điều này cho thấy học sinh đã thích ứng tốt với yêu cầu mới.
Riêng với môn Tiếng Anh, GS Đức đánh giá, "năm nay phổ điểm có chuyển biến tích cực". Dù vẫn còn khoảng cách giữa các địa phương nhưng sự xuất hiện của các tỉnh miền núi như Điện Biên trong nhóm dẫn đầu về điểm trung bình cho thấy hiệu quả đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn đang phát huy tác dụng. Tất nhiên, chất lượng dạy học Tiếng Anh vẫn phụ thuộc nhiều vào giáo viên và điều kiện học tập, nhưng với lộ trình đổi mới, sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Các chuyên gia nhận định, kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 đủ độ tin cậy để xét tuyển đại học.
Về môn Hóa học, Sinh học, GS Đức nhận định có tỷ lệ điểm thấp hơn nhưng điều đó không quá bất thường bởi số lượng thí sinh chọn các môn này để xét tuyển tổ hợp cũng giảm mạnh. Điều này phản ánh xu hướng lựa chọn tổ hợp thi của học sinh đang dần thực tế và có định hướng rõ ràng hơn, sát với cách thức tuyển sinh của các trường đại học.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục cũng nhấn mạnh: Những đổi mới trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy, kỳ thi không chỉ để tuyển sinh mà còn trở lại với bản chất của việc học. Không phải học để lấy điểm mà là học để phát triển năng lực cá nhân. Các bài tự luận năm nay có chiều sâu về ngữ cảnh và tư duy phản biện, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải mở rộng học liệu và sách giáo khoa theo hướng văn hóa-xã hội-chính trị chứ không chỉ phục vụ thi cử. Cũng theo GS Quang, mặc dù việc xây dựng đề thi, phân hóa vẫn cần tiếp tục cải thiện nhưng rõ ràng phổ điểm năm nay đáp ứng được mục tiêu kép: Vừa xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở tuyển sinh đại học.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, việc ra đề thi cần dịch chuyển từ đánh giá định tính sang định lượng. Đề Toán và Tiếng Anh năm nay tưởng khó nhưng phổ điểm lại cân đối, chứng tỏ sự phù hợp. Quan trọng nhất là đã giảm thiểu tình trạng "ăn may", học tủ, đánh bừa. Đó là bước tiến đáng kể trong xây dựng triết lý giáo dục hiện đại học theo hướng học để làm người, học để phát triển.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo cấp Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 cho rằng, việc phân tích phổ điểm năm nay không chỉ mang tính lý thuyết mà còn phản ánh thực tiễn vận hành kỳ thi, từ khâu ra đề đến tổ chức thi, tuyển sinh. Không còn đơn thuần kiểm tra kiến thức, đề thi tốt nghiệp THPT 2025 đã chuyển trọng tâm sang đánh giá năng lực. Đặc biệt, học sinh được lựa chọn môn thi theo sở trường- một bước tiến trong định hướng nghề nghiệp cá nhân. Lần đầu tiên, môn Tin học và Công nghệ được đưa vào chọn lựa, thể hiện rõ nguyên lý "không ai bị bỏ lại phía sau." Thậm chí, có môn có tỉnh chỉ có 1 thí sinh đăng ký dự thi nhưng vẫn được tạo điều kiện tối đa để em đó dự thi. Chính sự linh hoạt đó đã giúp học sinh phát huy tối đa năng lực cá nhân, đồng thời đặt ra thách thức mới cho giáo viên trong công tác giảng dạy.
Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nhìn chung phổ điểm năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, đủ sức làm căn cứ tuyển sinh đại học.