Điểm qua một số dự án lãng phí kéo dài tại quận Hoàng Mai

'Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. Quận Hoàng Mai cần thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của TP Hà Nội'.

Đây là phát biểu của đại biểu HĐND TP Trương Việt Dũng - Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai ngày 26/11/2024. Ông Trương Việt Dũng cho biết, trong thời gian tới quận Hoàng Mai sẽ là đơn vị đầu tiên của Hà Nội, tiến hành báo cáo chuyên đề với HĐND, UBND TP về việc giải quyết các dự án tồn đọng, gây lãng phí mà cử tri đã nhiều năm kiến nghị.

Lãng phí đầu tư

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cấp đến vấn đề ít người nhắc đến, như: Lãng phí do thiếu quy hoạch, sự không hiệu quả trong đầu tư công, hay các dự án bị bỏ hoang không được sử dụng… Bài viết cũng nêu rõ sự lãng phí này không chỉ đơn thuần là mất đi tài sản mà còn tạo ra sự bất công trong xã hội.

Đại biểu HĐND TP Hà Nội Trương Việt Dũng tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai. Ảnh TA

Đại biểu HĐND TP Hà Nội Trương Việt Dũng tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai. Ảnh TA

5 dự án đầu tư của TP chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng phải đích thân Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành chung tay tháo gỡ thì có 2 dự án trên địa bàn Hoàng Mai.

Điển hình nhất phải kế đến Khu đô thị Linh Đàm do HUD làm chủ đầu tư. Tháng 6/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 304/TTg về việc giao đất cho Công ty Phát triển nhà và đô thị (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) để thực hiện dự án khu hồ Linh Đàm. Ngày 15/6/1997, Công ty Phát triển nhà và đô thị đã khởi công xây dựng khu nhà ở Bắc Linh Đàm. Đến năm 2000, khu vực bán đảo Linh Đàm cũng được triển khai xây dựng.

Người dân Khu đô thị Vĩnh Hoàng nằm trên đường Vành đai 2,5 thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội liên tục kiến nghị về bất cập hạ tầng kỹ thuật. Ảnh TA.

Người dân Khu đô thị Vĩnh Hoàng nằm trên đường Vành đai 2,5 thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội liên tục kiến nghị về bất cập hạ tầng kỹ thuật. Ảnh TA.

Theo quy hoạch ban đầu, khu đô thị LInh Đàm với diện tích khoảng 184ha gồm: làng du lịch Linh Đàm 6,65ha, văn phòng và nhà ở cao cấp 8,4ha, biệt thự 7,66ha, khu nhà ở Bắc Linh Đàm 10ha, khu văn hóa, thương mại, khách sạn 12,44ha, khu cây xanh, công viên vui chơi 35,3ha; còn lại là diện tích hồ Linh Đàm 74ha. Đầu năm 2009, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 74/QĐ-BXD về việc công nhận Khu đô thị mới Linh Đàm là Khu đô thị mới kiểu mẫu cùng với khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP Hồ Chí Minh.

Nhưng 15 năm qua, người ta đã không còn nhận ra được hình hài của khu đô thị “đáng sống” một thời của người dân Thủ đô. Danh hiệu Khu đô thị kiểu mẫu chỉ là một hoài niệm buồn cho cả chủ đầu tư lẫn người dân sinh sống tại đây. Chủ đầu tư HUD chỉ quan tâm đến việc xây nhà, bán thu tiền và hầu như không quan tâm đến việc phát triển hạ tầng kỹ thuật khung theo chuẩn khu đô thị. Khu đô thị này thiếu trường học, thiếu bãi đậu xe, thiếu diện tích cây xanh… sức ép đè nặng trên vai chính quyền phường, quận.

Mới đây, sau khi UBND TP nhiều lần làm việc với HUD, lãnh đạo Bộ Xây dựng thì HUD buộc bàn giao cho UBND quận Hoàng Mai 19 ô đất, trong đó 18 ô trên địa bàn phường Hoàng Liệt với các chức năng: trường học, bãi đỗ xe, văn hóa công cộng, cây xanh, chợ... Để giải quyết tình thế, UBND quận Hoàng Mai đã phải dùng vốn ngân sách triển khai xây dựng ở 4 ô làm trường học tại phường Hoàng Liệt.

Thực trạng buồn của tuyến đường Vành đai 2,5 còn kéo dài đến bao giờ? Ảnh chụp ngày 28/11/2024

Thực trạng buồn của tuyến đường Vành đai 2,5 còn kéo dài đến bao giờ? Ảnh chụp ngày 28/11/2024

Hiện vẫn còn 16 ô đất HUD đã chuyển nhượng hạ tầng cho các chủ đầu tư thứ phát, vướng vào tình trạng “đi mắc núi, trở lại mắc sông” 15 - 16 năm nay, không thể thực hiện. Thành phố đã có các Thông báo số 953-TB/BCSĐ ngày 8/11/2021 của Ban Cán sự Đảng UBND TP và Văn bản số 4025/UBND-ĐT ngày 15/11/2021, Thông báo số 296/TB-VP ngày 26/6/2023 của UBND TP, nhưng đến bao giờ các nhà đầu tư thứ cấp mới có thể triển khai dự án vẫn là câu hỏi chưa có người trả lời.

Một sự lãng phí đất đai nữa mà rất nhiều lần cử tri quận Hoàng Mai đã kiến nghị tới các đại biểu Quốc hội, HĐND TP, HĐND quận là Dự án chung cư Vĩnh Hoàng (phường Vĩnh Hưng). Diện tích khu đất 127.587m2, diện tích xây dựng 55.978m2, có tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội làm chủ đầu tư.

Cách đây khoảng 10 năm, Công ty bán nhà cho dân nhưng còn tồn tại một số hạng mục chưa giải phóng mặt bằng (khu nhà công cộng hỗn hợp, khu nhà trẻ, đường quy hoạch); công tác duy tu, duy trì hạ tầng kỹ thuật Công viên hồ Vĩnh Hoàng không được thực hiện thường xuyên, gây mất mỹ quan.

UBND quận Hoàng Mai đã có các văn bản: số 1087/UBND-QLĐT ngày 19/4/2024, số 1977/UBND-QLĐT ngày 28/6/2024 đề nghị UBND TP chấp thuận cho phép Công ty nhà số 7 Hà Nội bàn giao nguyên trạng hạ tầng kỹ thuật công viên hồ Vĩnh Hoàng về UBND quận quản lý, duy tu, duy trì và thực hiện cải tạo nâng cấp đảm bảo cảnh quan nhưng vẫn đang... chờ và đợi.

Sau nhiều năm phát triển đô thị nóng, quận Hoàng Mai đã và đang phát sinh hàng chục dự án chậm tiến độ, đất đai hoang hóa, gây ô nhiễm môi trường, người dân lại thiếu trường học, khu vui chơi, cây xanh.

"Hơn 20 năm qua, không một dự án đầu tư hạ tầng nào trên địa bàn được hoàn thiện và đưa vào bàn giao là một sự lãnh phí, không thể chấp nhận được" - Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh chia sẻ trước 200 cử tri.

"Hơn 20 năm qua, không một dự án đầu tư hạ tầng nào trên địa bàn được hoàn thiện và đưa vào bàn giao là một sự lãnh phí, không thể chấp nhận được" - Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh chia sẻ trước 200 cử tri.

Về hạ tầng giao thông, hơn 10 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 quận Hoàng Mai thực hiện theo Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) chỉ còn 5% khối lượng nữa là có thể bàn giao đưa vào sử dụng. Mặc dù Chủ đầu tư Công ty TNHH xây dựng Công trình Hoàng Hà tuyên bố đã sẵn sàng hoàn thiện công trình nhưng đến nay, sau nhiều lần cử tri Hoàng Mai kiến nghị, tuyến đường vẫn dở dang không biết đến bao giờ.

Được biết, Tổ đại biểu HĐND TP, đơn vị bầu cử số 8 (quận Hoàng Mai) đã thông báo với nhân dân kế hoạch giám sát chuyên đề các dự án đình trệ kéo dài trên địa bàn.

Đổi mới cách tiếp cận

Để chống lãng phí đầu tư, UBND TP giao cho Sở Xây dựng thực hiện chuyên đề: “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 3383/QĐ/UBND ngày 19/9/2022.

Theo đó, các đơn vị liên quan phải rà soát, tổng hợp, báo cáo việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng tại các khu đô thị thuộc địa bàn quản lý, làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng tại từng dự án cụ thể; nguyên nhân chậm trễ, giải pháp khắc phục, tháo gỡ.

Đã đến lúc, tinh thần chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với các sở, ban, ngành, địa phương về chống lãng phí phải được triển khai quyết liệt. Các đơn vị cần có cách tiếp cận mới theo thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đưa các tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội.

An Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/diem-qua-mot-so-du-an-lang-phi-keo-dai-tai-quan-hoang-mai.html
Zalo