'Điểm mặt' các vụ rò rỉ hồ sơ tài chính
Những năm qua, Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố một lượng tài liệu khổng lồ, phơi bày những bí mật mà giới tinh hoa muốn che giấu.
Từ năm 2016, Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp cùng hàng loạt các hãng truyền thông lớn trên thế giới để công bố những bộ hồ sơ tuyệt mật, được cho là ghi nhận lại các hoạt động tài chính “mờ ám” như các khoản đầu tư gây tranh cãi và trốn thuế của nhiều nhân vật giàu có quyền lực bậc nhất và các tập đoàn nổi tiếng trên thế giới.
Cụ thể, ICIJ công bố tổng cộng ba bộ hồ sơ “chữ P”, gồm Hồ sơ Panama (2016), Hồ sơ Paradise (2017) và mới nhất là Hồ sơ Pandora (2021).
Hồ sơ Panama
Đầu năm 2015, một nguồn tin giấu tên gửi cho tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung 2,6 terabyte các tài liệu liên quan đến Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. Hãng này giúp những nhân vật quyền lực xây dựng các công ty vỏ bọc và mở tài khoản ở nước ngoài.
Các dữ liệu chủ yếu bao gồm email, các tập tin PDF, hình ảnh, và các trích dẫn từ một cơ sở dữ liệu nội bộ của hãng, trải dài từ những năm 1977-2015. Sau đó, tờ báo này đã chuyển tất cả số tài liệu này tới ICIJ để tổ chức này nghiên cứu.
Ngày 3/4/2016, tức sau hơn một năm nghiên cứu, ICIJ đã công bố toàn bộ 149 tài liệu trong tổng số hơn 11,5 triệu tài liệu họ có trong tay và đặt tên là “Hồ sơ Panama”, và tất cả những dữ liệu này đều liên quan tới Công ty Mossack Fonseca
Các tài liệu này cung cấp thông tin chi tiết về hơn 214.000 công ty, bao gồm danh sách của các cổ đông và các giám đốc thực hiện việc trốn thuế ở nước ngoài. Những người và các cơ quan bị nhận diện bao gồm nhiều nhà chính trị, các tổ chức giàu có và nhiều thế lực của nhiều quốc gia.
Trong một tuyên bố dài 1.800 từ, nhân vật giấu mặt tiết lộ Hồ sơ Panama nói rằng, người này chưa từng làm việc cho một cơ quan tình báo hay cơ quan chính phủ và chính sự bất bình đẳng thu nhập đã buộc phải chia sẻ tài liệu mật.
Một số cái tên nổi bật được nhắc tên trong Hồ sơ Panama gồm: siêu sao bóng đá Lionel Messi, Kojo Annan, con trai cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, diễn viên Thành Long, tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành. Đặc biệt, tài liệu tiết lộ cựu Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson và vợ đã lập tài khoản ở nước ngoài thông qua một công ty bình phong. Vụ việc này khiến ông buộc phải từ chức ngày 5/4/2016.
Hồ sơ Paradise
Một năm sau vụ Hồ sơ Panama, thế giới lại chấn động bởi vụ rò rỉ Hồ sơ Paradise. Giống như lần trước, tờ báo Suddeutsche Zeitung một lần nữa nhận được lượng lớn các tài liệu mật và chuyển giao cho ICIJ.
Hồ sơ Paradise được ICIJ công bố vào ngày 5/11/2017, bao gồm 13,4 triệu tài liệu rò rỉ từ công ty cung cấp dịch vụ pháp lý Appleby và công ty con Estera, cung cấp dịch vụ doanh nghiệp. Sáu triệu văn bản khác đều từ các cơ quan đăng ký doanh nghiệp ở 10 khu vực pháp lý, chủ yếu là ở Caribbean. Một lượng nhỏ đến từ Asiaciti Trust, nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp ở Singapore.
Hồ sơ Paradise bị rò rỉ từ Appleby cung cấp dữ liệu khách hàng của công ty này từ năm 1993 đến 2014, bao gồm tên của hơn 120.000 cá nhân và doanh nghiệp, nhưng không phải tất cả đều liên quan việc chuyển thuế. Ngoài ra, dữ liệu của Appleby ghi nhận khoảng 25.000 “công ty bình phong ngoại biên” (offshore).
Nơi phổ biến nhất để thành lập công ty vỏ bọc là các “thiên đường thuế” ở Bermuda và quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh). Cùng với đó, còn có quần đảo British Virgin và Isle of Man. Các tài liệu trên đã phát giác những cách thức né tránh thuế đang rất phổ biến trên quy mô thế giới.
Tổng lượng dữ liệu của lần rò rỉ này lên tới 1,4 terabyte và liên quan đến hơn 120 chính khách từ khoảng 50 quốc gia, những mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber đều có tên trong Hồ sơ Paradise.
Ước tính, các chính phủ thiệt hại từ 400 tỷ USD đến 800 tỷ USD mỗi năm do thất thu thuế, do các tập đoàn và cá nhân di chuyển tài sản tới các “thiên đường thuế”.
Hồ sơ Pandora
Ngày 3/10 vừa qua, ICIJ công bố Hồ sơ Pandora, hồ sơ điều tra mới nhất liên quan vụ rò rỉ 11,9 triệu tài liệu của 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính trên khắp thế giới kể từ năm 2014. Những tổ chức này được các khách hàng giàu có, quyền lực thuê để tạo lập các tài sản và quỹ tín thác ở những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sỹ hay quần đảo Cayman.
Cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora có sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ hàng chục hãng truyền thông như The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh. Các tài liệu đằng sau cuộc điều tra mới nhất này được thu thập từ các công ty dịch vụ tài chính ở các quốc gia bao gồm Quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Belize, Cộng hòa Cyprus, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Singapore và Thụy Sỹ.
Dữ liệu của Hồ sơ Pandora gồm 2,94 terabyte, phanh phui bí mật tài chính của giới thượng lưu từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là dữ liệu về những cá nhân sử dụng các công ty offshore, bí mật mua tài sản và che giấu tài sản, với nhiều người trong số đó để trốn thuế và nhiều hoạt động khác.
Lần này, ICIJ “gọi tên” 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu tổng thống. Đồng thời, bộ tài liệu cũng làm sáng tỏ nguồn tài chính bí mật của hơn 336 chính trị gia và quan chức nhà nước khác như bộ trưởng chính phủ, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.
Ngoài các chính trị gia, nhiều nhân vật công chúng cũng xuất hiện trong hồ sơ bao gồm nữ ca sĩ Shakira người Colombia, siêu mẫu người Đức Claudia Schiffer và huyền thoại cricket Ấn Độ Sachin Tendulkar.
Nhiều người sử dụng các công ty vỏ bọc để giữ các tài sản xa xỉ như bất động sản và du thuyền, cũng như các tài khoản ngân hàng ẩn danh, thậm chí “rửa tiền” bằng các tác phẩm nghệ thuật, từ cổ vật Campuchia đến các bức tranh của Picasso và tranh tường của Banksy.
Còn đó những góc khuất
The Indian Express nhận định, Hồ sơ Panama và Paradise chủ yếu đề cập đến các thực thể ngoại biên được thành lập do các cá nhân và công ty. Còn Hồ sơ Pandora cho thấy, trong bối cảnh các quốc gia buộc phải thắt chặt các biện pháp chống thất thu thuế, nhưng các công ty và cá nhân này vẫn tìm được cách “lách luật”.
ICIJ nhấn mạnh ở hầu hết quốc gia, việc giới tinh hoa như tỷ phú, quan chức, có tài sản ở nước ngoài hoặc sở hữu các công ty ngoại biên để kinh doanh xuyên biên giới không phải bất hợp pháp. Một số có lý do hợp pháp để không công khai địa chỉ nhà riêng hay tài sản.
Nhưng, đó cũng là một hình thức để né thuế một cách hợp pháp, sử dụng những vùng xám hay lỗ hổng luật pháp và trở thành một hành vi phạm pháp.
Các chuyên gia cho biết, tính chất bí mật các công ty này có thể bị sử dụng cho mục đích bất hợp pháp, bao gồm che đậy các dòng tiền bất hợp pháp, tạo điều kiện hối lộ, rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố, buôn người và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Còn theo The Guardian, những gì chúng ta thấy là sự bất công về thu nhập đang diễn ra trên toàn cầu. Tiền thuế đối với người thường ngày một tăng lên, trong khi tầng lớp tinh hoa sử dụng mạng lưới công ty ngoại biên một cách tinh vi, vốn không phải ai cũng được tiếp cận, để giấu tiền hoặc quản lý tài sản của họ.
Trong thời đại số, khi bất cứ thông tin gì cũng có thể được tìm thấy thông qua một cú click chuột, thì những vụ việc trên không sớm thì muộn cũng bị tìm ra.
Những vụ rò rỉ cho công chúng thấy được phần nào những góc khuất của thế giới. Chúng cũng được coi là một “hồi chuông cảnh tỉnh” dành cho giới tinh hoa, đặc biệt là những người có ảnh hưởng trong xã hội, cần phải minh bạch hơn với công chúng vì sự bình đẳng của toàn cầu.