Dịch vụ y tế và spa thú cưng: Xu hướng mới trong đời sống hiện đại
HNN - Khám sức khỏe định kỳ, tiêm phòng vắc-xin, điều trị bệnh lý, tắm rửa, cắt tỉa lông, vệ sinh tai... những dịch vụ từng được xem là 'xa xỉ' đối với thú cưng, nay ngày càng phổ biến trong các gia đình có điều kiện kinh tế ổn định.

ThS. BSTY. Hoàng Chung đang khám bệnh cho thú cưng
Sự phát triển của các phòng khám thú y, spa thú cưng và cửa hàng phụ kiện dành riêng cho vật nuôi phản ánh xu hướng nuôi thú cưng có trách nhiệm và đầy yêu thương trong xã hội hiện đại.
Thú cưng - người bạn thân thiết
Ba năm nay, chú mèo Anh lông ngắn tên Vàng đã trở thành “người bạn thân” của anh Ngô Quang Duy (trú tại phường Thuận Hóa, TP. Huế). Đối với anh Duy, Vàng không chỉ là thú cưng mà còn là một phần quan trọng của cuộc sống - nơi anh tìm thấy niềm vui và sự an ủi sau những giờ làm việc căng thẳng.
Vài ngày trước, Vàng bất ngờ bỏ ăn, mệt mỏi, nằm lỳ một chỗ và không đi vệ sinh. Lo lắng, anh Duy đưa mèo đến Phòng khám thú y Fuchu Pet Clinic (32 Hoàng Văn Thụ) để kiểm tra. Tại đây, sau khi thăm khám, siêu âm ổ bụng và khai thác thói quen sinh hoạt, ThS.BSTY. Hoàng Chung - giảng viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế - chẩn đoán: Vàng bị tắc ruột do búi lông.
“Mèo thường liếm lông để tự làm sạch. Nếu không được chải lông thường xuyên, chúng sẽ nuốt phải một lượng lớn lông rụng. Lông tích tụ trong dạ dày và ruột có thể gây tắc nghẽn tiêu hóa, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu không được xử lý kịp thời”, bác sĩ Chung giải thích.
Ngay sau đó, Vàng được phẫu thuật lấy búi lông và theo dõi hậu phẫu trong 10 ngày. “Vàng là một phần tinh thần của tôi. Nhìn nó yếu đi từng ngày khiến tôi rất sợ. May mà tôi đưa nó đi khám sớm”, anh Duy chia sẻ.
Không giống như bác sĩ điều trị cho người, bác sĩ thú y không thể hỏi bệnh nhân rằng “em đau ở đâu”. Việc chẩn đoán phụ thuộc vào khả năng quan sát, kinh nghiệm lâm sàng và cả sự nhạy cảm nghề nghiệp. Một thay đổi nhỏ trong hành vi như bỏ ăn, tiếng rên bất thường, dáng đi khác lạ… đều có thể là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh lý.
“Chẩn đoán bệnh ở thú cưng giống như giải một bài toán không có dữ kiện rõ ràng. Phải kết hợp kỹ năng chuyên môn và trực giác để tìm ra nguyên nhân”, bác sĩ Chung nói.
Ngày nay, nhiều chủ nuôi cũng chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh tật cho thú cưng thông qua các dịch vụ tiêm phòng vắc-xin, xét nghiệm sàng lọc định kỳ, tẩy giun, phòng ngừa ký sinh trùng… Không ít trường hợp, bác sĩ thú y còn được mời đến tận nhà để… đỡ đẻ cho chó, mèo.
Spa cho thú cưng: Đẹp, sạch và phát hiện bệnh sớm
Ngoài y tế, dịch vụ làm đẹp và chăm sóc ngoại hình cho thú cưng cũng đang phát triển mạnh. Những dịch vụ như tắm rửa, cắt tỉa lông, vệ sinh tai, mài móng, tạo kiểu… không chỉ giúp vật nuôi sạch sẽ, dễ thương mà còn có vai trò phòng bệnh quan trọng.
Tại cửa hàng Cún cưng Huế - Pet Shop & Spa (76 Nguyễn Trãi), chúng tôi gặp BSTY. Đào Thị Thiết đang nhẹ nhàng tắm rửa, cắt tỉa lông và vệ sinh tai cho một chú chó Poodle nhỏ nhắn. “Poodle và Phốc sóc có bộ lông dày, dễ rối, dễ viêm da. Việc vệ sinh, cắt tỉa định kỳ là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe”, chị Thiết chia sẻ.
Các spa thú cưng hiện nay còn giúp phát hiện sớm những vấn đề như viêm da, ghẻ lở, nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng. Đây cũng là nơi tư vấn dinh dưỡng, cách chăm sóc đặc thù theo giống loài, độ tuổi và thể trạng.
Nuôi thú cưng ngày nay không đơn thuần chỉ là thú vui hay trào lưu, mà còn là một lựa chọn sống đầy tính nhân văn. Thú cưng trở thành bạn đồng hành, mang lại niềm vui, giảm căng thẳng và kết nối cảm xúc. Khi tình yêu thương dành cho vật nuôi ngày càng lớn, thì việc chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho chúng cũng trở thành trách nhiệm tất yếu của mỗi người chủ.
Dịch vụ y tế và chăm sóc thú cưng không chỉ đáp ứng nhu cầu của vật nuôi, mà còn phản ánh một phần văn hóa sống hiện đại - nơi con người mở rộng tình thương yêu và sự trân trọng đến cả những sinh vật nhỏ bé bên cạnh mình.