Di sản liên biên giới, kết nối tình hữu nghị
Việc UNESCO chính thức điều chỉnh ranh giới di sản Phong Nha-Kẻ Bàng bao gồm Hin Nam No vào ngày 13/7 không chỉ là dấu mốc quan trọng cho hợp tác bảo tồn giữa Việt Nam và Lào mà còn là biểu trưng sống động của tinh thần hữu nghị và trách nhiệm chung với thiên nhiên.

Nhiều tour du lịch mạo hiểm hấp dẫn du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. (Nguồn: Oxalis Adventure)
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc mở rộng ranh giới di sản này dựa trên hồ sơ đề cử chung của hai quốc gia, gửi đến UNESCO vào tháng 2/2024. Đây là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ nhiều năm trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Trên cơ sở thẩm định của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), cơ quan tư vấn của UNESCO, khu di sản chung được công nhận theo ba tiêu chí nổi bật, bao gồm địa chất - địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Điều này thể hiện tầm nhìn mới trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gắn chặt với hợp tác khu vực, chính sách văn hóa - đối ngoại và chiến lược phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, việc UNESCO chính thức công nhận di sản không chỉ là niềm tự hào, mà còn là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế thông qua đề cử di sản chung.
Di sản liên biên giới Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nam No là minh chứng rõ nét cho nỗ lực gìn giữ những giá trị thiên nhiên có một không hai, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh, đúng với sứ mệnh của UNESCO.
Việc di sản được công nhận không chỉ mang lại vinh dự, mà còn đặt ra yêu cầu cao về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững. Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng phương pháp quản lý hiệu quả nhằm ứng phó với các nguy cơ đe dọa di sản. Đồng thời, cần sớm đánh giá sức tải du lịch phù hợp với khả năng chịu đựng của hệ sinh thái, từ đó xác định giới hạn và định hướng phát triển lâu dài.
Từ góc nhìn quốc tế, ông Jake Brunner, Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam nhấn mạnh việc tôn trọng những giá trị hiện có, tăng cường chia sẻ thông tin để bảo đảm việc bảo vệ hiệu quả các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong thời gian tới, công tác quản trị trong quá trình bảo tồn và phát triển hai vườn quốc gia này sẽ được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả nhất.
Theo kế hoạch, hai bên sẽ áp dụng cơ chế quản lý riêng biệt song song, gồm Kế hoạch quản lý chiến lược Phong Nha - Kẻ Bàng và Kế hoạch quản lý Vườn quốc gia Hin Nam No, song vẫn phối hợp chặt chẽ trên các lĩnh vực như thực thi pháp luật, nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, phát triển sinh kế bền vững và kiểm soát sức tải du lịch.
Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng Hoàng Minh Thắng nhấn mạnh một trong những mục tiêu của Phong Nha - Kẻ Bàng là phát triển du lịch bền vững trong mối quan hệ với môi trường và cộng đồng. Bởi vậy, địa phương cần chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm.
Mô hình Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nam No giống như một thông điệp sâu sắc gửi tới cộng đồng quốc tế: Hợp tác xuyên biên giới trong bảo tồn di sản thiên nhiên là giải pháp hiệu quả, khả thi và mang tính nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No không còn là hai thực thể địa lý riêng rẽ, mà đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết và tầm nhìn chung giữa hai quốc gia láng giềng, cho thấy giá trị di sản thiên nhiên có thể trở thành cầu nối trong ngoại giao văn hóa. Đây là mô hình cần được nhân rộng ở Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy gắn kết khu vực thông qua sức mạnh của di sản thiên nhiên.