'Đi dân nhớ, ở dân thương'

Sau 15 ngày tận tụy và trách nhiệm, gần 400 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 và lực lượng biên phòng hoàn thành nhiệm vụ, rời thôn Làng Nủ, để lại niềm xúc động sâu sắc trong lòng bà con dân tộc Tày. Những cái ôm thay lời cảm ơn của người dân Làng Nủ với người lính là minh chứng cho tình cảm gắn bó giữa quân và dân.

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào đầu tháng 9 tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã khiến 55 người chết, 11 người mất tích. Ngay lập tức, Bộ đội Biên phòng Lào Cai và Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã phối hợp cùng Trung đoàn 98, chiến sĩ Quân khu 2 trong việc tìm kiếm nạn nhân. Trong suốt 2 tuần, các chiến sĩ không quản dầm mưa, dãi nắng, ngày đêm để tìm kiếm nạn nhân, đồng hành cùng bà con gây dựng lại cuộc sống.

Khoảnh khắc anh Hoàng Văn Thới (32 tuổi) bật khóc khi bắt tay từng chiến sĩ đã lay động hàng triệu trái tim. Cách đó vài ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể bé trai Hoàng Đức L., là con của anh Thới. Giờ phút chia tay các cán bộ, chiến sĩ bộ đội kết thúc nhiệm vụ, những giọt nước mắt của anh Thới đã rơi.

Anh Thới cho biết, anh quá xúc động, không biết nói gì hơn, cảm ơn các chiến sĩ đã vất vả, không quản ngại khó khăn tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong suốt 2 tuần đã qua.

"Các cán bộ, chiến sĩ đã giúp tôi tìm thấy đủ thi thể các thành viên trong gia đình tôi để tôi lo hậu sự cho mẹ, vợ và 3 con tôi. Không chỉ tôi mà toàn thể nhân dân Làng Nủ chân thành cảm ơn, chúc các cán bộ, chiến sĩ mạnh khỏe, công tác tốt" - anh Thới nói.

Người đàn ông đã mất đi 6 người thân trong cơn lũ đã dậy thật sớm cùng bà con Làng Nủ chuẩn bị những món quà nhỏ thay lời cám ơn về tinh thần trách nhiệm, sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tìm kiếm trong 2 tuần qua. Quà là cơm nắm, là muối vừng. Quà cũng là những cái nắm tay, cái ôm thật chặt.

“Cảm thấy buồn lắm, thương các chú bộ đội ngày đêm vất vả, không có thời gian nghỉ” - bà Hoàng Thị Thắng (thôn Làng Nủ) nói trong nước mắt khi chia tay các chiến sĩ.

Còn các anh bộ đội Cụ Hồ cũng không kìm được cảm xúc khi chia tay đồng bào. Nhiều chiến sĩ đã nhỏ lệ. "Điều nuối tiếc nhất với người lính chúng tôi là vẫn còn những thi thể đồng bào chưa được tìm thấy" - Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 chia sẻ.

Ông Hoàng Quốc Bảo - Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Yên khẳng định chính quyền địa phương sẽ cùng bà con và lực lượng tại chỗ vượt qua khó khăn, mất mát để xây dựng lại cuộc sống. Lá cờ đỏ sao vàng tại nhà văn hóa thôn Làng Nủ là kỷ vật thiêng liêng mà chính quyền và nhân dân trao tặng các chiến sĩ bộ đội.

Truyền thống Bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng của sự kiên cường, lòng nhân ái và tận tụy với nhân dân. Từ thời chiến đến thời bình, người lính luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất. Hành động cứu trợ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sự thể hiện tinh thần "vì dân phục vụ", luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách để giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ không chỉ giúp người dân vượt qua thiên tai mà còn xây dựng niềm tin, hy vọng cho cuộc sống. Tinh thần “Đi dân nhớ, ở dân thương” không chỉ là khẩu hiệu, mà là hiện thực trong từng hành động của các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ.

Cúi chào bà con, các anh bộ đội Cụ Hồ lại lên đường thực hiện nhiệm vụ mới...

Công Khanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-dan-nho-o-dan-thuong-10291212.html
Zalo