Đền ơn đáp nghĩa - Trách nhiệm và đạo lý
Tháng 7 hằng năm là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lắng lòng tưởng niệm, tri ân sâu sắc những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Lịch sử không quên những mất mát, hy sinh; lòng biết ơn ấy hôm nay càng được hun đúc bằng hành động thiết thực, nghĩa tình.

Đại diện các tổ chức đoàn thể đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Năng, phường Bá Xuyên.
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Năng, năm nay đã 99 tuổi (ở phường Bá Xuyên), là mẹ 2 liệt sĩ Vũ Văn Hùng (hy sinh năm 1970) và Vũ Văn Cường (hy sinh năm 1972). Thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát lớn lao của Mẹ, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Mẹ và gia đình, coi đó là trách nhiệm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Ông Vũ Văn Vinh, con trai Mẹ Dương Thị Năng, chia sẻ: Nhiều năm qua, bên cạnh các chính sách của Đảng, Nhà nước, gia đình luôn nhận đươc sự quan tâm đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đó là nguồn động viên rất lớn để gia đình vơi bớt sự mất mát, là nguồn động viên mẹ tiếp tục sống vui, sống khỏe bên con cháu.
Còn ông Hoàng Trọng Tân, là thương binh (ở phường Phan Đình Phùng), từng bước ra từ cuộc chiến, được tạo điều kiện học Trường Trung cấp Bưu điện và công tác tại Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cho đến khi nghỉ hưu. Ông xúc động trước sự quan tâm, sẻ chia dành cho người có công: Đất nước hôm nay đã phát triển đàng hoàng, to đẹp hơn – đó cũng là điều kiện để các gia đình chính sách được chăm lo tốt hơn, giúp chúng tôi luôn cảm thấy ấm lòng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú…”. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước là: Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là chính sách lớn mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, là trách nhiệm chính trị và đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công; phạm vi đối tượng ngày càng được mở rộng, các chế độ ưu đãi không ngừng được hoàn thiện. Đến nay, hơn 9,2 triệu người có công đã được hưởng chính sách.
Đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân ngày càng được cải thiện. Cùng với Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã tích cực chung tay tri ân bằng những việc làm thiết thực, lan tỏa nghĩa tình, đạo lý sâu sắc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn công tác của Trung ương tri ân người có công tại tỉnh Thái Nguyên nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Đối với Thái Nguyên, tự hào là nơi ra đời ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947) và trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh đã có nhiều đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng đất nước.
Tỉnh đang quản lý hồ sơ, thực hiện chính sách ưu đãi đối với 154.144 người có công với cách mạng, chiếm khoảng 8,5% dân số của tỉnh; hằng tháng chi trả trợ cấp ưu đãi cho trên 21.000 người, với tổng kinh phí trên 860 tỷ đồng/năm. Trên địa bàn có 82 công trình ghi công, nghĩa trang liệt sĩ.
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân. Hằng năm, vào dịp lễ, Tết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức các đoàn đại biểu đến viếng nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ trong và ngoài tỉnh; thăm hỏi, tặng quà thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Hầu hết hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình tại nơi cư trú.
Công tác vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành truyền thống, phong trào được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân tham gia tích cực.
Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được tỉnh quan tâm, nhất là hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (mới) có tổng số 6.953 hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 371 hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.
Tỉnh Thái Nguyên (cũ) đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.974 hộ, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng từ tháng 6-2025 (trong đó có 136 hộ là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ). Sau khi sáp nhập với tỉnh Bắc Kạn, hiện còn 235 hộ thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Hiện nay, 100% số hộ này đã được hỗ trợ kinh phí, đã khởi công xây dựng nhà.
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), các hoạt động tri ân đang được tổ chức rộng khắp từ Trung ương đến địa phương: dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ; phát động phong trào thanh niên chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; thăm hỏi, tặng quà tại các địa phương và trung tâm điều dưỡng người có công...
Tất cả những hoạt động ấy đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, thể hiện trách nhiệm và lòng tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc.