Đề xuất xây dựng tuyến tàu điện tự lái chạy trên kênh rạch TPHCM dài gần 30km

Một doanh nghiệp vừa đề xuất xây dựng tuyến tàu điện tự lái chạy trên kênh rạch TPHCM với chiều dài 29,9 km, tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP có ý kiến liên quan về đề xuất xây dựng tuyến tàu điện trên cao lái tự động lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - trung tâm thành phố - công viên Văn hóa Đầm Sen.

Theo đề xuất từ doanh nghiệp, dự án trên có tổng chiều dài 29,9 km và tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng. Tuyến tàu điện tự động theo hệ thống dẫn hướng cố định là một loại hình giao thông đô thị có sức chuyên chở (khách) thuộc loại trung bình, chạy trên bánh lốp, hệ thống này do Nhật Bản phát triển.

Dự án dự kiến được đầu tư theo ba giai đoạn gồm:

Đoạn 1: Sân bay Tân Sơn Nhất - Cù lao Nguyễn Kiệu: 12,7km chạy trên Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đoạn 2: Cù lao Nguyễn Kiệu - Cầu Bà Tăng, quận 8: 5,7km chạy theo Kênh Đôi.

Đoạn 3: Cầu Bà Tàng, quận 8 - Giao lộ Hoàng Văn Thụ, Út Tịch: 11,5km theo Kênh Tân Hóa, Đường Lạc Long Quân.

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: CTV

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: CTV

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay TPHCM đang tổ chức lập quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong quá trình rà soát, đóng góp ý kiến quy hoạch chung của thành phố, Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, nghiên cứu và cập nhật vào quy hoạch chung TP nếu dự án khả thi.

Trong khi đó, theo đề xuất từ doanh nghiệp, tàu điện tự lái chạy trên kênh rạch sẽ giải quyết tình trạng tắc đường tại khu trung tâm và sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, nằm hoàn toàn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tâm Hóa và đường Lạc Long Quân vì vậy hoàn toàn không gặp vấn đề về giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, tàu tự lái trên cao sẽ giải quyết trực tiếp nạn ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với ưu thế vượt trội của tàu tự lái so với monorail là khả năng chuyển làn linh hoạt, rất tiện lợi cho việc phát triển tuyến.

Các tuyến đường làm bằng thép nên được thi công hàng loạt tại nhà máy giúp cho việc thi công nhanh, khoảng năm năm là hoàn thành dự án. Các ga chính sẽ kết nối với hệ thống ga metro theo thiết kế.

Với những ưu điểm trên, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng TPHCM xem xét bổ sung tuyến đường sắt trên cao này vào quy hoạch để có cơ sở thực hiện.

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-xay-dung-tuyen-tau-dien-tu-lai-chay-tren-kenh-rach-tphcm-dai-gan-30km-post1652313.tpo
Zalo