Đề xuất siết chặt quản thuế đối với hộ kinh doanh
Trong biên bản tổng hợp ý kiến góp ý cho Hồ sơ chính sách của Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) của Bộ Tài chính ghi nhận nhiều nội dung liên quan đến đề xuất siết chặt quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Bộ Tài chính ghi nhận nhiều nội dung liên quan đến đề xuất siết chặt quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
“Hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử nền tảng như Google, Facebook, YouTube, Zalo… nhưng không đăng ký mã số thuế. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh vẫn còn thiếu các quy định kiểm soát dòng thanh toán, đẫn đến thất thu thuế".
Đề xuất siết chặt quản lý thuế trong thương mại điện tử
Đây là ý kiến của Thanh tra Chính phủ được nêu trong bản góp ý cho hồ sơ chính sách dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) của Bộ Tài chính vừa công bố. Để khắc phục vấn đề trên,Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính bổ sung các cơ chế giám sát, kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Phản hồi đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết Luật số 56/2024/QH15 quy định, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và các dịch vụ số được thực hiện bởi nhà cung cấp nước ngoài thì họ phải trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Đối với các hộ và cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương điện tử, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc nền tảng số có chức năng thanh toán, bất kể trong hay ngoài nước đều phải thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ. Trong trường hợp không thuộc diện được khấu trừ, hộ và cá nhân kinh doanh sẽ trực tiếp đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Để tăng tính hiệu quả quản lý, trong quá trình Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Tài chính cũng kiến nghị bổ sung quy định yêu cầu các chủ thể kinh doanh cung cấp thông tin người bán, nền tảng trung gian, đơn vị cung cấp logistics và tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất quy địnhbắt buộc "các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới phải thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán chuyên biệt". Biện pháp này sẽ giúp kiểm soát thông tin giao dịch, từ đó hạn chế thất thu thuế trong môi trường số, Bộ Tài chính nêu rõ tại nội dung tiếp thu, giải trình.
Yêu cầu hộ kinh doanh mở tài khoản riêng
Cũng tại biên bản tổng hợp ý kiến góp ý cho Hồ sơ chính sách của Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế), Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định hộ kinh doanh bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng/giao dịch điện tử phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh. Thông qua tài khoản giao dịch riêng, cơ chế này giúp cơ quản quản lý kiểm soát dòng tiền thuận tiện hơn
Song song với đó, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cũng đề xuất bổ sung quy định liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, tương tự như đăng ký doanh nghiệp, nhằm giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế.
Về quy định áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đề xuất sửa đổi nội dung quy định chi tiết về ngưỡng doanh thu cho hộ kinh doanh. Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cho rằng việc yêu cầu các hộ kinh doanh có ngưỡng doanh thu chịu thuế phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tại Luật Quản lý thuế (thay thế) chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế phát sinh nhiều mô hình mới.
Ngoài ra, Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân quy định “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 01/01/2026”. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính bổ sung thêm quy định về việc kê khai thuế, tần suất kê khai, mẫu tờ khai đơn giản để hộ kinh doanh dễ dàng thực hiện.
Về khai niệm “hộ kinh doanh”, theo quy định tại Điều 2, Điều 3 dự thảo Luật định hướng bỏ khái niệm “hộ kinh doanh”, chỉ còn khái niệm “cá nhân kinh doanh”. Tuy nhiên trong toàn bộ tài liệu gửi lấy ý kiến thì còn nhiều nội dung vẫn sử dụng cụm từ “hộ kinh doanh”.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội cũng nêu rõ theo quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố: cụm từ “Hộ kinh doanh” và tên riêng của hộ kinh doanh. Pháp luật về đăng ký kinh doanh không có khái niệm “cá nhân kinh doanh”. Do đó, Bộ Tài chính cần rà soát để quy định thống nhất đối tượng quản lý và phù hợp với pháp luật có liên quan.
Tại nội dung tiếp thu, giải trình, Bộ Tài chính ghi nhận và nghiên cứu các góp ý của Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội dựa trên biên bản tổng hợp.
Tổng thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trong giai đoạn 2022-2024 đạt khoảng 296.000 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, số thu từ khu vực này đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 163 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử với tổng số tiền là 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ; 88,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế đến từ gần 93.000 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; số tiền thuế đã nộp từ 130 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử là gần 1,7 nghìn tỷ đồng. Cuối cùng, số thuế thu được từ 752.176 trường hợp là cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với là gần 1,5 nghìn tỷ đồng.
(Báo cáo Bộ Tài chính)