Đề xuất sáp nhập 6 Ủy ban của Quốc hội
Sáng 1/12, tại Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhiều đề xuất quan trọng về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của các cơ quan Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được đưa ra.
Trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”.
Liên quan đến công tác tinh gọn các cơ quan thuộc Quốc hội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đề xuất kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này sẽ giúp nâng cao sự liên kết giữa các cơ quan của Quốc hội, tránh sự trùng lặp trong chức năng nghiên cứu và lập pháp.
Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập các cơ quan: Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật. Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện. Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, đề xuất kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội và chuyển chức năng nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp và tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan này.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đề xuất không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, thay vào đó, các ủy ban sẽ có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đây là một bước đi nhằm giảm các đầu mối và tăng cường sự chuyên môn hóa trong hoạt động của Quốc hội.
Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng, một trong những đề xuất quan trọng là rà soát lại toàn bộ hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, với mục tiêu tinh gọn, sáp nhập và kết thúc hoạt động của những cơ quan không còn cần thiết. Cùng với đó, việc rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ được thực hiện theo hướng chỉ giữ lại những cơ quan thực sự cần thiết, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động.