Đề xuất quy định về cứu trợ, hỗ trợ tình trạng khẩn cấp
Tại dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, Bộ Quốc phòng đề xuất quy định về cứu trợ, hỗ trợ tình trạng khẩn cấp.
Theo dự thảo, tình trạng khẩn cấp là khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thì cấp có thẩm quyền ban bố, công bố các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn; hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.
Cứu trợ khẩn cấp
Theo dự thảo, cứu trợ khẩn cấp được thực hiện trong và ngay sau khi tình trạng khẩn cấp xảy ra, tập trung vào thực hiện hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm khác để ổn định đời sống của Nhân dân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của tình trạng khẩn cấp.
Đối tượng được cứu trợ bao gồm cá nhân bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, ưu tiên quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương.
Nguồn lực cho cứu trợ khẩn cấp từ hàng dự trữ quốc gia; kinh phí dự phòng hàng năm của ngân sách nhà nước và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, hỗ trợ từ quốc tế.
Hỗ trợ trung hạn
Dự thảo nêu rõ, hỗ trợ trung hạn được thực hiện tiếp theo cứu trợ khẩn cấp, tập trung vào hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; sửa chữa, khôi phục trụ sở, công trình phòng, chống thảm họa, sự cố; giao thông, thông tin, thủy lợi; cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại.
Đối tượng được hỗ trợ trung hạn bao gồm tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có công trình quy định trên.
Nguồn lực cho cứu trợ từ hàng dự trữ quốc gia, ngân sách nhà nước và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, hỗ trợ từ quốc tế.
Hỗ trợ dài hạn
Theo dự thảo, hỗ trợ dài hạn được thực hiện tiếp theo hỗ trợ trung hạn, tập trung vào việc sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, ngừa, ứng phó thảm họa; tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, ngừa thảm họa.
Đối tượng được hỗ trợ dài hạn bao gồm tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động công ích bị thiệt hại do tình trạng khẩn cấp gây ra.
Nguồn lực cho hỗ trợ dài hạn bao gồm ngân sách nhà nước và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, hỗ trợ từ quốc tế.
Dự thảo nêu rõ, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ tình hình thiệt hại và mức độ áp dụng tình trạng khẩn cấp ở địa phương, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện.
Huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ
Theo dự thảo, việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ theo nguyên tắc sau: Phải tuân theo quy định của pháp luật, căn cứ vào mức độ thiệt hại, chia sẻ thông tin và phối hợp với chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, công khai, tránh trùng lặp; việc cứu trợ cần tập trung đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương.
Thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ được đề xuất như sau:
- Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp huy động nguồn lực theo thẩm quyền để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về dự trữ quốc gia; việc hỗ trợ dài hạn thực hiện theo kế hoạch hằng năm;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội chữ thập đỏ các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiếp nhận và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn;
- Tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn.
Dự thảo nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết việc huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả trong tình trạng khẩn cấp.
Các biện pháp hỗ trợ
Theo dự thảo các trường hợp áp dụng các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp khắc phục hậu quả do tình trạng khẩn cấp gây ra theo quy định của Luật Tình trạng khẩn cấp có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp, chính sách sau đây:
1- Chính sách tài chính
- Chính sách về thuế: Giảm trừ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giãn thuế, giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu vì mục đích phục vụ phòng, chống sự cố, thảm họa;
- Chính sách về phí, lệ phí: Giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi áp dụng tình trạng khẩn cấp;
- Chính sách tài chính: Ưu đãi, giảm lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước, tín dụng chính sách của Nhà nước;tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; giảm giá bán điện, giảm tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng khẩn cấp.
2- Chính sách, biện pháp đầu tư, kinh doanh
- Cắt giảm thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, bảo đảm thông quan kịp thời; rút ngắn thời gian xét hoàn thuế, xét duyệt hồ sơ vay vốn; cắt giảm các quy định, điều kiện, thủ tục gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy phép hoạt động, giấy phép đầu tư, thủ tục thành lập, sáp nhập, tổ chức lại, thủ tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, cho phép hoãn, gia hạn thời gian thực hiện thủ tục phá sản;
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới trong nước; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách ứng phó sự cố, thảm họa để gây khó khăn cho doanh nghiệp.
3- Chính sách về nhân lực, lao động: Hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động, chuyên gia nước ngoài thay thế trong trường hợp thiếu hụt lao động; hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, mất việc làm do áp dụng tình trạng khẩn cấp.
4- Chính sách về xuất cảnh, nhập cảnh: Gia hạn tạm trú cho người nước ngoài, tạo điều kiện tiếp tục công việc khi họ chưa thể trở về nước do tình trạng khẩn cấp.
5- Chính sách an sinh xã hội: Chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm trong tình trạng khẩn cấp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.