Đề xuất mua tin phòng chống tham nhũng, tối đa 50 triệu đồng/tin

Bộ Tài chính đề xuất, kinh phí mua tin phòng chống tham nhũng tối đa 50 triệu đồng/tin. Tùy theo nội dung, tính chất của tin được cung cấp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi với từng trường hợp cụ thể.

Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính cho biết, mức chi mua tin tối đa 50 triệu đồng/tin. Tùy theo nội dung, tính chất của tin được cung cấp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi đối với từng trường hợp cụ thể. Trường hợp đặc biệt, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định. Việc quản lý, sử dụng kinh phí mua tin theo chế độ mật.

Các nội dung chi của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp gồm: Chi phụ cấp trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (nếu có); chi thù lao đối với các trường hợp được biệt phái từ nơi khác đến Ban Nội chính Trung ương hoặc Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy làm nhiệm vụ.

Hoạt động chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc; chi mua sách báo, tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn; chi hội nghị, tiếp khách, chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.

Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Đề xuất mua tin phòng chống tham nhũng tối đa 50 triệu đồng/tin. Ảnh minh họa: TVPL.

Đề xuất mua tin phòng chống tham nhũng tối đa 50 triệu đồng/tin. Ảnh minh họa: TVPL.

Trước đó, một số địa phương đề xuất kinh phí mua tin phòng chống tham nhũng. Tiêu biểu như TPHCM ban hành Quy định 1629 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố. Theo đó, TPHCM đưa ra mức tối đa dùng vào việc “mua tin” là 10 triệu đồng/tin.

Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin phải theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian. Danh tính của người cung cấp thông tin phải được ký hiệu bằng mã số.

Thành ủy TPHCM yêu cầu thông tin phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực phải đảm bảo tính xác thực, trọn vẹn, thể hiện được nội dung, tình tiết sự việc, hiện tượng đã xảy ra; tồn tại dưới dạng dữ liệu truyền thống hoặc dữ liệu điện tử, có nội dung được thể hiện theo ngôn ngữ tiếng Việt, rõ ràng, cụ thể; không qua chỉnh sửa làm thay đổi bản chất sự thật của sự việc, hiện tượng; thông tin có thể kiểm chứng, xác minh được.

Người cung cấp thông tin còn được xem xét khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thường trực Thành ủy TPHCM kỳ vọng, Quy định 1629 sẽ thúc đẩy cán bộ thành phố tiếp tục năng động, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-mua-tin-phong-chong-tham-nhung-toi-da-50-trieu-dongtin-post1647539.tpo
Zalo