Đề xuất mới mức phụ cấp ưu đãi theo nghề của viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Theo dự thảo, viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám và điều trị, chăm sóc người mắc bệnh phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A hưởng mức phụ cấp 70%

Theo dự thảo, viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám và điều trị, chăm sóc người mắc bệnh phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A hưởng mức phụ cấp 70%

Bộ Y tế cho biết, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập đã đạt được nhiều kết quả góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập của công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện, hiện nay, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đã có một số bất cập do mô hình bệnh tật của Việt Nam sau hơn 13 năm có nhiều thay đổi, các dịch bệnh mới nổi xuất hiện, diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng; thách thức đối với y tế dự phòng là rất lớn, tuy nhiên, y tế dự phòng vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng.

Bộ Y tế dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập nhằm góp phần thu hút, duy trì đội ngũ bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng có trình độ đại học trở lên về công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng của các địa phương nhằm giải quyết khó khăn về thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn tại tuyến y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng. Đồng thời, tạo động lực cho viên chức y tế yên tâm công tác, gắn bó phục vụ lâu dài tại y tế cơ sở và y tế dự phòng, giảm thiểu tình trạng bỏ việc, thôi việc góp phần nâng cao chất lượng của y tế cơ sở, y tế dự phòng giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế bảo đảm chất lượng.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất quy định áp dụng với viên chức, người lao động hợp đồng quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Dự thảo nêu rõ, mỗi viên chức, người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP nếu được phân công nhiều công việc có mức phụ cấp ưu đãi nghề khác nhau thì chỉ được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất.

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề

Theo dự thảo, mức phụ cấp 70% áp dụng đối với các đối tượng sau:

1- Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:

- Xét nghiệm, khám và điều trị, chăm sóc người mắc bệnh phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

- Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.

- Người làm việc trong phòng xét nghiệm yêu cầu an toàn sinh học cấp III.

2- Viên chức có trình độ chuyên môn là bác sĩ thường xuyên, trực tiếp công tác tại trạm y tế các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

3- Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:

- Khám, điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm (không thuộc điểm 1 nêu trên); cấp cứu và vận chuyển cấp cứu 115.

- Xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;

- Kiểm dịch y tế biên giới;

- Xạ trị, hóa trị, sinh học phân tử, y học hạt nhân.

Theo dự thảo, mức phụ cấp 50% áp dụng đối với viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau: khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nhi, chống độc, bỏng, da liễu.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau:

- Xét nghiệm; khám bệnh; chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; thăm dò chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt trừ các trường hợp hưởng mức phụ cấp 70%, 60%, 50% nêu trên.

- Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

- Viên chức được phân công thường xuyên, trực tiếp làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.

- Viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y.

Dự thảo nêu rõ, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung, viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 30% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng hưởng.

Đối với người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ được phân công trực tiếp làm các công việc đã nêu trên thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu sự nghiệp để xem xét, quyết định cho hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề nhưng không vượt quá mức quy định tại các mục tương ứng nêu trên.

Thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế như sau: Thời gian viên chức được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 1 tháng trở lên; thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng; thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế từ 1 tháng trở lên; thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác liên tục từ 1 tháng trở lên, không làm chuyên môn theo vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-moi-muc-phu-cap-uu-dai-theo-nghe-cua-vien-chuc-nguoi-lao-dong-tai-co-so-y-te-cong-lap-102241129190536598.htm
Zalo