Để xuất khẩu cao su đạt 3,3 tỷ USD

Để hoàn thành kế hoạch này, ngành hàng cao su cần thực hiện nhiều giải pháp, phù hợp với đặc điểm từng thị trường; trong số đó là mục tiêu tiến sâu vào thị trường EU bằng sản phẩm chất lượng cao.

Chế biến cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Phú Riềng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Chế biến cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Phú Riềng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu xuất khẩu cao su đạt khoảng 3,3 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD, như vậy 6 tháng cuối năm cần đạt 2,1 tỷ USD. Để hoàn thành kế hoạch này, ngành hàng cao su cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, phù hợp với đặc điểm từng thị trường; trong số đó là mục tiêu tiến sâu vào thị trường EU bằng sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng tốt hành Quy định chống mất rừng (EUDR) sẽ có hiệu lực từ năm 2026.

Thị trường Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giữ vai trò chiến lược đối với ngành cao su Việt Nam, chiếm khoảng 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Đáng chú ý, 95% kim ngạch xuất khẩu sang EU đến từ nhóm sản phẩm cao su có giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này, ngành cao su Việt Nam đang đối mặt với những yêu cầu ngày càng khắt khe, đặc biệt trong bối cảnh Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2026. Trong khi đó, chuỗi cung ứng hiện tại của ngành còn khá phức tạp: khoảng 63% cao su nguyên liệu có nguồn gốc từ hộ tiểu điền và 37% còn lại từ các diện tích đại điền, chưa kể đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Theo EUDR, các mặt hàng này khi xuất khẩu vào EU phải đảm bảo toàn bộ các hoạt động trong chuỗi cung từ khâu sản xuất tới xuất khẩu phải đáp ứng với tất cả các yêu cầu của quốc gia sản xuất, đảm bảo việc truy xuất và quá trình sản xuất không gây mất rừng. Vì vậy, việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR cần được triển khai đồng bộ ngay từ đầu chuỗi cung ứng. Các hộ tiểu điền và đại lý thu mua đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu đầu vào.
Nguồn cung cho chế biến cao su còn có nguồn cung từ nhập khẩu, chủ yếu là từ Campuchia và một phần từ Lào. “Đáp ứng EUDR đòi hỏi ngành cao su Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nhập khẩu, đảm bảo việc truy xuất tới tận thửa đất canh tác đối với nguồn cung này”, ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends nhấn mạnh.
Việt Nam hiện đang từng bước hình thành và mở rộng các mô hình sản xuất cao su đại điền và tiểu điền đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Quy định chống mất rừng (EUDR). Điển hình, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là lực lượng chủ lực triển khai mô hình đại điền đạt chuẩn.
Với nhóm hộ tiểu điền, mô hình đáp ứng EUDR chủ yếu được triển khai thông qua sáng kiến của các doanh nghiệp tư nhân như: Công ty Mai Vĩnh, Việt Sing, Thuận Lợi… Các doanh nghiệp này đã xây dựng liên kết chặt chẽ với hộ nông dân và các đại lý thu mua, tổ chức lại chuỗi cung ứng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR về tính hợp pháp và không gây mất rừng.
Những sản phẩm "cao su đáp ứng EUDR" từ các mô hình này đã được xuất khẩu sang thị trường EU với giá bán cao hơn từ 150 – 300 USD/tấn so với sản phẩm thông thường. “Nhu cầu thị trường trong thời gian tới là rất lớn. Chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất để kịp thời đáp ứng”, bà Đặng Thị Hoa Mai – Giám đốc Công ty Mai Vĩnh chia sẻ.
Bà Phan Trần Hồng Vân, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết: VRA cam kết đồng hành cùng các bên trong việc nâng cao năng lực đáp ứng Quy định chống mất rừng (EUDR) và các yêu cầu mới từ thị trường quốc tế. Hiệp hội tin rằng việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia sản xuất là yếu tố then chốt để hướng tới phát triển bền vững và minh bạch chuỗi cung ứng. VRA sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác khu vực và lan tỏa các mô hình tiên phong trong chuỗi cung cao su tiểu điền.
Theo chuyên gia, để vượt qua các rào cản kỹ thuật và phát triển bền vững tại EU, ngành cao su cần có những hỗ trợ cụ thể, đặc biệt về kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp tư nhân, đại lý và hộ tiểu điền. Đồng thời, việc xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc quốc gia dùng chung là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, ngành cần thúc đẩy mạnh mẽ mô hình hợp tác công – tư (PPP), tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong nước với các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này không chỉ giúp ngành cao su đáp ứng hiệu quả EUDR, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của ngành trên thị trường quốc tế.
Để tiến sâu vào thị trường EU, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng cần nghiên cứu cải tiến khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở rộng sang các phân khúc trung và cao cấp tại các thị trường khối EU (Tây Ban Nha, Italia) phục vụ ngành thời trang và đồ dùng gia đình. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đạt chứng nhận quốc tế như FSC (quản lý rừng bền vững), góp phần mở rộng thị phần và nâng tầm vị thế ngành cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bích Hồng/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-xuat-khau-cao-su-dat-3-3-ty-usd/379077.html
Zalo