Đề xuất kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan: Cần phân cấp cho Chính phủ hoặc Bộ Quốc phòng

Tham gia phát biểu tại Hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam sáng 5.11, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng: Việc nâng hạng tuổi được Bộ Quốc phòng tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án tăng tuổi...; đồng thời, nên phân cấp cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc kéo dài độ tuổi của sĩ quan tại ngũ trong các trường hợp đặc biệt cần thiết.

Không kéo dài độ tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến lãng phí nhân lực

Tán thành với tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân năm 2008 quy định hạn tuổi cao nhất của cấp úy 46 tuổi, thiếu tá 48 tuổi, trung tá 51 tuổi, thượng tá 54 tuổi, Đại tá 57 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ), cấp tướng 60 tuổi (đối với nam) 55 tuổi (đối với nữ). Theo đó, với sự thay đổi về tuổi nghỉ hưu được quy định tại Bộ Luật lao động năm 2019 cho thấy, chênh lệch giữa tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan và tuổi nghỉ hưu của người lao động trong xã hội ngày càng lớn... Cùng đó, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp được quy định tại Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng cũng có sự cách biệt.

“Đơn cử, với độ tuổi nghỉ hưu của sĩ quan cấp úy là 46 tuổi, thì hiện nay (năm 2024), sĩ quan cấp úy phải nghỉ hưu sớm hơn so với công chức, viên chức và người lao động là 10 năm (đối với nữ), 15 năm (đối với nam) và sớm hơn 6 năm so với quân nhân chuyên nghiệp…”, đại biểu dẫn chứng và cho rằng đây là bất cập.

 ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu, nếu không sửa đổi luật kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan thì sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân lực rất lớn. Bởi, thực tế, lực lượng sĩ quan cơ bản được đào tạo bài bản. Đơn cử ở Nghệ An, hơn 90% sĩ quan được đào tạo chính quy, trình độ đại học, sau đại học chiếm hơn 73%... Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, việc nghỉ hưu sớm làm cho lương hưu của sĩ quan thấp. Qua phản ánh của cử tri trong ngành quân đội ở Nghệ An, từ năm 2018 đến nay, tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, có 41% sĩ quan hưởng lương hưu từ 56-66%; 44% hưởng lương hưu 67-74%, chỉ có 13% hưởng 75% trở lên…

Tại độ tuổi nghỉ hưu sớm (từ 48 - 51 tuổi ở cấp Thiếu tá, Trung tá), gánh nặng về thu nhập để nuôi sống gia đình, lo cho con cái ăn học vẫn còn, nhất là khi xu hướng lập gia đình và sinh con muộn như hiện nay. “Tuy nhiên, họ không dễ tìm được công việc thích hợp nên chủ yếu phải làm các công việc của lao động phổ thông… Do đó, việc nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, đồng nghĩa với nâng tỷ lệ hưởng lương hưu của sĩ quan sẽ góp phần làm tăng thu nhập bình quân, cải thiện đời sống, thúc đẩy chi tiêu”, đại biểu nêu rõ.

Cũng bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 13 (hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ đối với cấp úy 50, thiếu tá 52, trung tá 54, thượng tá 56, đại tá 58 và cấp tướng 60), đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng: Việc nâng hạng tuổi đã được Bộ quốc phòng tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án tăng tuổi. Phương án đề xuất trong dự thảo luật vừa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của quân đội, vừa phù hợp với thực tiễn và thống nhất với các quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, đối với quy định kéo dài tuổi phục vụ thêm 5 năm: “khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt” như trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng còn chung chung, chưa rõ… “Để phù hợp với chủ trương phân cấp và phù hợp với thực tiễn, nên phân cấp cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc kéo dài độ tuổi của sĩ quan tại ngũ trong các trường hợp đặc biệt, cần thiết”, đại biểu kiến nghị.

Đưa đối tượng là thân nhân của sĩ quan tại ngũ vào Luật Bảo hiểm y tế

Về một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan, đại biểu bày tỏ bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 18 “Sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn nếu trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác, nghiên cứu khoa học được khen thưởng”; và “sĩ quan do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ”. Theo đại biểu, các quy định này phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động và tương thích với một số luật liên quan.

 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: P.T

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: P.T

Liên quan đến nội dung chăm sóc sức khỏe đối với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ (Điều 33): “Sĩ quan tại ngũ được bảo đảm chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, thai sản, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp được khám bệnh chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT và được hưởng các chế độ chăm sóc khác theo quy định của pháp luật”, đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh: Quy định này bảo đảm đầy đủ, đồng bộ quyền lợi chăm sóc sức khỏe của sĩ quan hơn so với quy định hiện hành và phù hợp với quy định của pháp luật về BHYT. “Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội đang xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi Điều 12 về đối tượng tham gia BHYT), trong đó có nhóm do ngân sách nhà nước đóng (gồm thân nhân của sĩ quan tại ngũ). Do đó, nên chăng cụ thể hóa đối tượng là thân nhân của sĩ quan tại ngũ nên đưa vào Luật Bảo hiểm y tế để bảo đảm tính đồng bộ?”, đại biểu Thái Thị An Chung băn khoăn.

Cũng theo đại biểu, dự thảo còn bỏ sót đối tượng là vợ hoặc chồng của sĩ quan tại ngũ trong khi Luật hiện hành đã có quy định. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng là vợ hoặc chồng của sĩ quan tại ngũ được cấp thẻ BHYT, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-xuat-keo-dai-tuoi-phuc-vu-tai-ngu-cua-si-quan-can-phan-cap-cho-chinh-phu-hoac-bo-quoc-phong-post395452.html
Zalo