Đề xuất giảm viện phí cho người mắc bệnh hiểm nghèo
Ngành y đang nghiên cứu giải pháp giảm viện phí cho người nghèo, cận nghèo và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thông qua bảo hiểm y tế.
Gửi kiến nghị trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri Lạng Sơn cho rằng chi phí khám chữa bệnh vẫn là gánh nặng lớn với người nghèo, người thu nhập thấp và đồng bào dân tộc thiểu số. Cử tri đề xuất tiến tới miễn viện phí cho toàn dân, trước mắt áp dụng với nhóm yếu thế và người dân vùng đặc biệt khó khăn.

Người dân chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Giang Linh
Cử tri Đồng Tháp cũng đề nghị cân đối nguồn thu từ quỹ BHYT, để có chính sách miễn, giảm viện phí cho người mắc bệnh hiểm nghèo.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết người có thẻ BHYT hiện được quỹ chi trả 80-100% chi phí khám chữa bệnh, tùy từng nhóm đối tượng. Người bệnh phải đồng chi trả tối đa 20% phần chi phí thuộc danh mục BHYT chi trả. Nguyên tắc này được duy trì để nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ y tế hợp lý và đảm bảo sự bền vững của quỹ BHYT.
Hiện ngân sách nhà nước đang đóng BHYT cho người thuộc diện chính sách như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ một phần mức đóng cho học sinh, sinh viên, người thuộc hộ cận nghèo. Từ ngày 1-7, theo Nghị định 188, học sinh sinh viên được hỗ trợ 50% mức đóng BHYT, thay vì 30% như trước.
Theo Bộ Y tế, giảm chi phí từ tiền túi người dân và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế là nhiệm vụ ưu tiên. Hiện chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình chiếm khoảng 45% tổng chi y tế – vượt mức khuyến cáo 30% của Tổ chức Y tế thế giới. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm còn 35%, đến năm 2030 còn 30%.
Để đạt mục tiêu này, Bộ Y tế đề xuất mở rộng nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT, tăng mức hỗ trợ, mở rộng phạm vi quyền lợi, bổ sung các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc mới vào danh mục được quỹ BHYT thanh toán.
Đồng thời, cơ quan này đang xây dựng cơ chế hỗ trợ giảm mức đồng chi trả viện phí với người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khi mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính cần điều trị dài ngày.
Mục tiêu là tiến tới không phải đồng chi trả trong phạm vi được hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh tại một số tuyến. Các chính sách sẽ được xây dựng dựa trên đánh giá tác động và khả năng cân đối của quỹ BHYT.
Bộ Y tế cũng phối hợp các bộ, ngành liên quan huy động thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước, viện trợ, tài trợ và các hình thức xã hội hóa để hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Đề xuất bổ sung thuốc mới vào danh mục BHYT
Trả lời kiến nghị cử tri Ninh Bình, Bộ Y tế cho biết đang rà soát, sửa đổi danh mục thuốc BHYT nhằm bổ sung các thuốc mới, hiệu quả điều trị cao và loại bỏ thuốc không còn phù hợp. Việc cập nhật được thực hiện theo Thông tư 37 ban hành ngày 16-11-2024. Tuy nhiên, việc mở rộng danh mục cần cân nhắc kỹ để đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT.