Đề xuất giảm bớt thủ tục hành chính với sàn thương mại điện tử

Theo VCCI, một số quy định hành chính không phù hợp với sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhỏ, khiến các sàn bị quản lý quá chặt, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển.

Đề xuất giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử

Đề xuất giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử

Hiện nay, quy định pháp luật yêu cầu tất cả các sàn thương mại điện tử, bất kể quy mô và hình thức hoạt động, đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động. Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phương thức quản lý đánh đồng như vậy là chưa hợp lý.

Góp ý cho dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương, VCCI nêu các lý do cho nhận định trên. Cụ thể, thủ tục cấp phép trước khi hoạt động không phù hợp với các sàn TMĐT nhỏ, khiến các sàn này hoặc sàn mới phát hành thử nghiệm (startup) bị quản lý quá chặt.

Lĩnh vực mạng xã hội, một lĩnh vực có tính chất và tác động tương tự, pháp luật cũng cho phép quản lý lỏng với các mạng xã hội nhỏ, cụ thể mạng xã hội có lượt truy cập thường xuyên thấp chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo, nếu đủ lớn mới cần thực hiện thủ tục cấp phép, theo Điều 24.6.a Nghị định 147/2024/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với tính chất hoạt động của một số sàn TMĐT. Các sàn này chỉ cho phép người bán đăng tải thông tin về sản phẩm. Việc giao dịch giữa các bên (giao kết, thanh toán, vận chuyển) đều thực hiện thông qua các phương thức khác (như điện thoại, chat…).

Thực chất, các sàn TMĐT này chỉ như một kênh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, có thể hình dung như một “biển rao vặt online”. Các bước quan trọng trong quá trình giao dịch đều không diễn ra trên sàn TMĐT. Vì thế, không có nhiều rủi ro trong mô hình hoạt động này.

Do vậy, VCCI đề nghị nghiên cứu cơ chế quản lý theo hướng giảm bớt các thủ tục đối với các sàn TMĐT nhỏ. Theo đó, các sàn TMĐT nhỏ hoặc các sàn TMĐT chỉ cung cấp tính năng giới thiệu, trưng bày sản phẩm chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động, và sẽ thực hiện thủ tục cấp phép khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định.

Tương tự, với quy định về thủ tục thông báo với website thương mại điện tử bán hàng, VCCI cho rằng website này là website do thương nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động kinh doanh của chính mình.

Về bản chất, đây chỉ là một kênh bán hàng mới (trên internet) bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới. Trong khi đó, các thương nhân đã phải thực hiện các thủ tục đăng ký với Nhà nước trước khi bắt đầu kinh doanh (đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa). Việc thương nhân khi triển khai thêm một kênh bán hàng trên internet phải thực hiện thêm thủ tục thông báo vô hình chung tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết.

Trước đây, Nghị định 52/2013/NĐ-CP yêu cầu mọi website TMĐT bán hàng phải thực hiện thủ tục thông báo, dù chỉ có các tính năng đơn giản như giới thiệu sản phẩm. Sau đó, Nghị định 85/2021/NĐ-CP giảm phạm vi xuống các website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, việc giảm phạm vi này không có quá nhiều ý nghĩa. Việc lập website TMĐT bán hàng trở nên vô cùng phổ biến trong thời đại kinh doanh số hiện nay. 44% doanh nghiệp sở hữu website, trong đó 42% website có tính năng đặt hàng trực tuyến, theo khảo sát được thực hiện bởi Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương.

Số lượng hồ sơ thực hiện thông báo cũng rất lớn, 105.103 hồ sơ thông báo năm 2023. Hơn nữa, cho đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội từ việc các doanh nghiệp không đăng ký website TMĐT bán hàng.

"Có thể thấy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản với thương nhân khi tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử"- VCCI cho hay.

Do vậy, VCCI cũng đề nghị bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website thương mại điện tử bán hàng thay vì chỉ điều chỉnh phân cấp như đề xuất tại dự thảo. Việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm thay vì phương pháp tiền kiểm.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-giam-bot-thu-tuc-hanh-chinh-voi-san-thuong-mai-dien-tu-post616475.antd
Zalo