Đề xuất dừng hợp đồng tài xế công nghệ TP.HCM chạy xe xăng từ 2026

Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đề xuất từ năm 2026 sẽ ngừng ký mới hợp đồng với tài xế công nghệ sử dụng xe xăng, nhằm thay thế toàn bộ phương tiện bằng xe điện vào 2029.

 Đề án chuyển đổi phương tiện tại TP.HCM đề xuất dừng ký mới với tài xế công nghệ dùng xe xăng từ 2026. Ảnh: Phương Lâm.

Đề án chuyển đổi phương tiện tại TP.HCM đề xuất dừng ký mới với tài xế công nghệ dùng xe xăng từ 2026. Ảnh: Phương Lâm.

Tại họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 17/7, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) nhận định đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" sẽ tác động trên diện rộng, ảnh hưởng đến toàn địa bàn, đặc biệt là sinh kế của lực lượng tài xế công nghệ di chuyển thường xuyên mỗi ngày.

Từ khảo sát năm 2023 với 470 tài xế xe xăng của Be, Grab, Gojek, Viện ghi nhận trung bình một người tốn 70.000-100.000 đồng tiền xăng mỗi ngày cho quãng đường 100-150 km.

Trong khi đó, khảo sát gần đây với tài xế Xanh SM, chi phí sạc chỉ khoảng 20.000 đồng/ngày. Nếu cộng thêm các chi phí cơ hội và bảo dưỡng, mỗi tài xế có thể tiết kiệm ít nhất 40.000 đồng/ngày nếu sử dụng xe điện. Với tần suất hoạt động 25 ngày/tháng, mức tiết kiệm có thể lên đến 1 triệu đồng.

"Lợi ích rõ rệt, có thể tiết kiệm được", ông Hải nhấn mạnh.

Đại diện Viện cho biết thực tế khảo sát những tài xế đã chuyển từ xe xăng sang xe điện cũng xác nhận mức tiết kiệm có thể còn cao hơn. Từ đó, nhóm nghiên cứu đánh giá đề án là khả thi về mặt kinh tế, tuy nhiên rào cản lớn nhất hiện nay là vốn ban đầu để đầu tư xe điện.

HIDS đang thiết kế gói tín dụng hỗ trợ tài xế chuyển đổi phương tiện. Trong đó, ông ước tính các tài xế có thể bán xe xăng hiện có với trị giá trung bình khoảng 8 triệu đồng. Số tiền này có thể dùng để thanh toán đợt đầu, tương ứng 20-25% giá trị chiếc xe điện 30 triệu đồng.

Khoản tiền còn lại khoảng 24 triệu đồng sẽ được tài xế trả góp. Với mức tiết kiệm 1 triệu đồng mỗi tháng, tài xế có thể hoàn tất việc trả góp trong khoảng 24-30 tháng. Sau khi trả xong, tài xế sẽ hoàn toàn sở hữu chiếc xe điện và tiếp tục hưởng lợi 1 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng.

Theo ông, việc chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cải thiện sức khỏe tài xế do giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn - những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm lao động thường xuyên di chuyển ngoài đường.

 Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) chia sẻ tại họp báo chiều 17/7. Ảnh: T.H.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) chia sẻ tại họp báo chiều 17/7. Ảnh: T.H.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, dự thảo đề án đã được hoàn thiện và dự kiến trình UBND TP vào ngày mai (18/7), sau đó lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị, trước khi hoàn thiện dự thảo đề án và gửi một số kiến nghị đến Trung ương.

Nếu được thông qua, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Theo dự thảo đề án, thống kê hiện tại cho thấy TP.HCM có khoảng 400.000 shipper và tài xế công nghệ. Nhóm này di chuyển trung bình 80-120 km/ngày, cao gấp 3-4 lần người dân thông thường, do đó được xác định là đối tượng ưu tiên triển khai chuyển đổi trước. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2029 là chuyển đổi toàn bộ lực lượng tài xế sang xe điện, đồng thời giảm hoàn toàn lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.

Hiện một số doanh nghiệp như Be, Grab, Shopee, Ahamove, Xanh SM... đã thí điểm xe điện cho tài xế, tuy nhiên tỷ lệ vẫn còn rất thấp so với tổng số 400.000 phương tiện.

Theo lộ trình, từ tháng 1/2026, TP.HCM sẽ bắt đầu thực hiện chính sách ưu đãi và ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.

Các tài xế sử dụng xe xăng đã được đăng ký trước thời điểm này vẫn được phép hoạt động, song cũng cần lên kế hoạch chuyển đổi. Từ năm 2027, TP sẽ áp dụng biện pháp hạn chế xe xăng hoạt động vào giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp. Năm 2028 siết chặt hơn việc kiểm soát khí thải theo quy định và đến cuối năm 2029, xe xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động vận tải công nghệ trên địa bàn TP.HCM.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/de-xuat-dung-hop-dong-tai-xe-cong-nghe-tphcm-chay-xe-xang-tu-2026-post1569425.html
Zalo