Đề xuất cơ chế rõ ràng để thu hút trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài

SVO - Trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài mong muốn có cơ chế minh bạch, cụ thể để quay về đóng góp cho đất nước, thay vì chỉ trông chờ vào tinh thần tự nguyện.

>

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI đang diễn ra ở Hà Nội, hơn 200 trí thức trẻ đến từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chia sẻ những sáng kiến, kết quả nghiên cứu mới trong nhiều lĩnh vực. Nhưng điểm đáng chú ý hơn cả là loạt đề xuất về cơ chế để thu hút và phát huy hiệu quả đội ngũ trí thức đang học tập, làm việc tại nước ngoài.

Thiếu cơ chế rõ ràng, nhiều người muốn về nhưng chưa thể

Anh Đinh Hùng Cường, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại nước ngoài về khoa học vật liệu cho biết, anh đang phát triển các đề tài liên quan đến vật liệu nhựa ứng dụng trong ngành thực phẩm và đồ uống. Nếu được triển khai tại Việt Nam, công trình này có thể giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm rác thải nhựa và thúc đẩy sản xuất xanh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025.

Tuy nhiên, điều khiến anh băn khoăn là thiếu cơ chế rõ ràng để hiện thực hóa những ý tưởng như vậy tại Việt Nam. “Tôi rất cảm ơn Bộ Ngoại giao và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã tạo cơ hội để các trí thức trẻ chia sẻ, kết nối. Nhưng chúng tôi cần nhiều hơn thế, cần một hệ thống chính sách cụ thể để hỗ trợ từ tài chính, cơ sở vật chất đến hành lang pháp lý khi quay về nghiên cứu, làm việc”, anh Đình Hùng Cường nói.

Anh Cường cho rằng, điều các trí thức cần không chỉ là lời kêu gọi hay khẩu hiệu, mà là sự cam kết rõ ràng từ phía Nhà nước và các đơn vị liên quan để đồng hành lâu dài. “Chúng tôi sẵn sàng trở về, nhưng không thể làm việc một mình trong một hệ sinh thái chưa được chuẩn bị sẵn sàng”, anh chia sẻ.

Không chỉ kêu gọi, cần "đặt hàng" nghiên cứu cụ thể

Nhiều đại biểu tại Diễn đàn cho rằng, đã đến lúc thay đổi tư duy từ “trí thức về nước theo tinh thần tự nguyện” sang cơ chế “Nhà nước chủ động đặt hàng nghiên cứu”. Điều này giúp các nhà khoa học có định hướng rõ ràng, có địa chỉ tiếp nhận sản phẩm và có nguồn lực triển khai nghiên cứu đến cùng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trao đổi với các đại biểu.

“Không thiếu ý tưởng hay, nhưng nếu không có đơn vị nào tiếp nhận, không có cơ chế tài trợ minh bạch, thì các công trình nghiên cứu vẫn chỉ nằm trên giấy”, một đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận về khoa học công nghệ.

Theo các chuyên gia, ngoài việc tạo cơ chế tài trợ, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hợp tác ba bên giữa nhà nước, doanh nghiệp và trí thức trẻ, để gắn nghiên cứu với thực tiễn, giải quyết các bài toán cụ thể của nền kinh tế.

Cần một lộ trình thống nhất và đồng bộ

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận định, Diễn đàn lần này không chỉ là dịp để chia sẻ chuyên môn, mà còn là nơi để các bộ, ngành lắng nghe trực tiếp từ đội ngũ trí thức trẻ. Bà cho rằng, những kiến nghị về cơ chế, chính sách cần được thể chế hóa thành hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng, tránh tình trạng tiếp nhận rời rạc, thiếu kết nối.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng trao đổi với các đại biểu.

“Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét đưa vào các chính sách trọng điểm. Chúng tôi kỳ vọng các bộ, ngành cùng phối hợp xây dựng một hệ sinh thái đồng bộ để tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức Việt toàn cầu”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Kỳ vọng vào cơ chế mới từ Nghị quyết 57

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu do T.Ư Đoàn tổ chức từ ngày 19 - 21/7, nhằm kết nối và huy động trí tuệ của người Việt trẻ ở nước ngoài cho các mục tiêu phát triển quốc gia.

Khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2025.

Năm nay, Diễn đàn tập trung vào các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo, y sinh, vật liệu mới, năng lượng, kinh tế xanh… Đây cũng là một phần trong tiến trình triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Trong đó, nguồn lực con người đặc biệt là trí thức trẻ, được xác định là một trong ba trụ cột để tạo đột phá.

“Cơ chế phù hợp sẽ là chiếc chìa khóa để kết nối những nhà khoa học đang ở xa Tổ quốc, giúp họ nhìn thấy cơ hội thật sự để quay về và cống hiến”, anh Nguyễn Hữu Tuấn đại biểu đến từ Đức, nhận định.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/de-xuat-co-che-ro-rang-de-thu-hut-tri-thuc-tre-viet-nam-o-nuoc-ngoai-post1761685.tpo
Zalo