Đề xuất cho phép doanh nghiệp công nghệ AI, chip được trích lập quỹ khoa học công nghệ tối đa 20%

Với quy định mức trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tối đa chỉ 5%, doanh nghiệp sẽ thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo, yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Góp ý vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn Hà Nội, cho biết hiện Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, doanh nghiệp Nhà nước phải trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ với mức tối thiểu 3%, tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích lập tối đa 10%.

Còn trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội: Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có bước tiến quan trọng khi cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao được trích lập quỹ tối đa 20% thu nhập tính thuế để bổ sung vốn cho các dự án.

Tuy nhiên, bà Hà cho rằng dự thảo Luật lần này lại quy định mức trích lập tối đa chỉ là 5%, điều này không phù hợp với tinh thần đổi mới của Bộ chính trị và của Quốc hội.

RÀO CẢN KHIẾN QUỸ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CỦA DOANH NGHIỆP BỊ "ĐÓNG BĂNG"

Nhắc đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị yêu cầu phải "có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ", bà Hà nhìn nhận với quy định như trong dự thảo, doanh nghiệp sẽ thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo. "Đây vốn là yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn TP. Hà Nội nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn TP. Hà Nội nêu ý kiến.

Theo nữ đại biểu đoàn Hà Nội, hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi sử dụng quỹ đã được lập ra. Nguyên nhân do quy định về xây dựng dự toán, định mức chi và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Thông tư 67 năm 2022 Bộ Tài chính còn chưa phù hợp.

"Nhiều doanh nghiệp lúng túng, thậm chí lo ngại khi thực hiện chi từ quỹ vì không rõ đâu là chi phí hợp lệ, vấn đề xây dựng các quy định, quy chế nội bộ để quản lý quỹ, vấn đề hành chính để sử dụng quỹ. Đây chính là rào cản lớn khiến quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị đóng băng", đại biểu nói.

Từ thực tế trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Đại biểu cũng đề xuất mở rộng danh mục chi từ quỹ như lương cho nhân sự phát triển, nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia mua linh kiện vật tư thử nghiệm, tham dự hội thảo chuyên ngành, mua sắm thiết bị máy móc và các sản phẩm công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, giao Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục cụ thể và quy định không bắt buộc lập đề tài, nhiệm vụ cho từng khoản chi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng quỹ theo nhu cầu thực tế và phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo.

KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Sùng A Lềnh, đoàn Lào Cai, nêu rõ Điều 65 dự thảo quy định doanh nghiệp được phép trích tối đa 5% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoản 1 Điều 5, Điều 65. Tuy nhiên, nội dung này chưa hoàn toàn thống nhất với tinh thần của Nghị quyết số 68 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo đó, Nghị quyết 68 cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Điểm quan trọng là Nghị quyết số 68 còn mở rộng phạm vi sử dụng quỹ cho phép doanh nghiệp không chỉ triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển nội bộ mà còn có thể đặt hàng nghiên cứu bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm, một cách làm linh hoạt, phù hợp với xu thế đổi mới sáng tạo mở hiện nay.

Đại biểu Sùng A Lềnh, đoàn Lào Cai.

Đại biểu Sùng A Lềnh, đoàn Lào Cai.

Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc việc điều chỉnh mức trích lập quỹ từ 5% lên mức cao hơn. Việc nâng tỷ lệ trích lập quỹ không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư bài bản, dài hạn và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, bền vững và có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Liên quan đến tài chính thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực từ Điều 51 đến Điều 54, dự thảo đã có bước tiến khi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Lào Cai cho rằng nếu không có cơ chế tài chính cụ thể, đơn giản, dễ tiếp cận thì những chính sách này sẽ khó đi vào cuộc sống, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đại biểu đề xuất bổ sung quy định về cơ chế Nhà nước cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong các dự án công nghệ có tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa cao, đồng thời cần có các công cụ tài chính linh hoạt như bảo lãnh, tín dụng vốn mồi hoặc lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Đối với phát triển nguồn nhân lực, theo đại biểu đây là yếu tố cốt lõi nhưng hiện vẫn còn những nút thắt về đãi ngộ môi trường làm việc, thủ tục thu hút chuyên gia trong nước và nước ngoài. Do đó, dự thảo cần bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực nội bộ có cơ chế đặt hàng đấu thầu đào tạo theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là chính sách đặc thù để thu hút nhân tài, chuyên gia đầu ngành bằng những điều kiện làm việc thực sự hấp dẫn.

Về tài chính cho Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo đã tiếp cận đúng hướng khi đề cập đến đa dạng hóa nguồn lực tài chính và tính đặc thù của lĩnh vực này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần thiết phải có thêm các quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện. Bổ sung quy định về thanh toán theo sản phẩm nghiệm thu từng phần phù hợp với đặc điểm rủi ro và thử nghiệm trong lĩnh vực công nghệ; đồng thời, cần làm rõ các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đầu tư mạo hiểm và quy định rõ hơn về cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả các quỹ tài chính nhà nước trong lĩnh vực này.

Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Khoa Công nghệ là nền của một quốc gia hiện đại, khoa học công nghệ hưng thịnh thì quốc gia đó mới hưng thịnh, khoa học công nghệ mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc về khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có khoa công học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu.

Lần đầu tiên dự thảo luật có một chương riêng quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo đó, "doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các chính sách tài chính mồi của Nhà nước theo nguyên tắc nhà nước chi một đồng thì thu hút từ 3- 4 đồng của doanh nghiệp. Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được khoảng dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70%, 80%", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như là chi phí sản xuất kinh doanh không còn giới hạn mức tối đa, trước đây chỉ khoảng 1% doanh thu là được chi cho nghiên cứu phát triển và chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có lãi.

Theo Bộ trưởng, các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào các công nghệ chiến lược.

Bên cạnh đó doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào Khoa hoc, công nghệ vào khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo, các nghiên cứu phát triển, các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá.

Hằng Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-cho-phep-doanh-nghiep-cong-nghe-ai-chip-duoc-trich-lap-quy-khoa-hoc-cong-nghe-toi-da-20.htm
Zalo