Để trekking trở thành loại hình du lịch hấp dẫn
Dù vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều du khách trong nước, song loại hình du lịch trekking (đi bộ đường dài, leo núi khám phá thiên nhiên) được xem là 'luồng gió' mới, góp phần đa dạng trải nghiệm cho du khách khi đến xứ Thanh. Tuy nhiên, để trekking trở thành một trong những loại hình du lịch hấp dẫn, cần có sự đầu tư đồng bộ, chiến lược cụ thể và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp du lịch.

Du khách trekking khám phá Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Khu vực miền núi phía Tây xứ Thanh có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trù phú. Đặc biệt, địa hình đa dạng, từ những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát, những thửa ruộng bậc thang, đến những dòng suối trong veo, thác nước hùng vĩ nằm ẩn mình giữa các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, các vườn quốc gia Xuân Liên, Bến En... đã tạo nên những cung đường trải nghiệm trekking từ ngắn ngày, dễ đi, đến những cung đường dài ngày, nhiều thử thách. Bên cạnh đó, miền núi xứ Thanh còn là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Thổ. Đây là những điều kiện lý tưởng để du khách trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa vùng miền. Đến nay, đã có 12 tour du lịch trekking khám phá khu vực miền núi xứ Thanh chính thức được công bố, trong đó một số tuyến đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách như đỉnh Pù Luông, mạo hiểm hòn Con Sói, đỉnh Pù Hu, cây di sản chò xanh, đỉnh Pù Gió...
Hướng dẫn viên Lê Đức Hùng (Hà Nội) chia sẻ: "Với hơn 10 năm dẫn đoàn trekking ở khu vực miền Bắc, Thanh Hóa là điểm đến đầy tiềm năng nếu biết tổ chức bài bản. Kể từ khi tỉnh công bố các tour trekking đến nay, tôi đã dẫn một số đoàn khách đến Pù Luông và một số tuyến rừng sâu ở khu vực miền núi. Phản hồi từ du khách rất tích cực, họ thích không khí trong lành, cảnh quan kỳ vĩ, đặc biệt là trải nghiệm đời sống văn hóa với người dân bản địa. Tuy nhiên, hiện tại nhiều tuyến đường còn thiếu hạ tầng cơ bản như đường vào bản, biển chỉ dẫn, cơ sở lưu trú thân thiện với du khách trekking. Nếu những điều này được cải thiện, tôi tin rằng Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch trekking của miền Bắc”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tuấn Phong, Giám đốc điều hành SPO Travel - đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch thể thao cho biết, những năm gần đây dòng khách trẻ và khách quốc tế có xu hướng chuyển sang tìm kiếm trải nghiệm thực sự từ thiên nhiên. Những tuyến trekking ẩn chứa yếu tố thử thách, khám phá đang ngày càng được ưa chuộng.
“Ngoài Pù Luông ra, tôi cho rằng miền Tây xứ Thanh còn nhiều điểm đến chưa được đánh thức. Cái thiếu không phải là cảnh đẹp, mà là sản phẩm du lịch chưa được “đóng gói” hấp dẫn, truyền thông bài bản và sự kết nối hiệu quả giữa chính quyền - doanh nghiệp - cộng đồng. Nếu làm được, trekking hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Thanh Hóa, cạnh tranh với những điểm đến trekking ở khu vực Tây Bắc”, ông Phong nhận định.
Theo một số chuyên gia du lịch, để hiện thực hóa đưa trekking trở thành loại hình du lịch hấp dẫn cần có những chiến lược bài bản, dài hơi thay vì phát triển nhỏ lẻ như hiện tại. Trước hết là công tác quy hoạch và xây dựng sản phẩm trekking mang tính đặc thù, gắn với bản sắc cộng đồng bản địa. Mỗi cung đường trekking không chỉ đơn thuần là hành trình đi bộ, leo núi, mà cần trở thành một câu chuyện hấp dẫn với những trải nghiệm trọn vẹn về thiên nhiên, con người, văn hóa. Chẳng hạn, một tour trekking đến đỉnh Pù Luông, không chỉ là hành trình qua các bản Đôn, Kho Mường... mà còn là dịp để du khách học cách dệt thổ cẩm, thử làm nông dân vùng cao, thưởng thức đặc sản và hòa mình vào các hoạt động của người dân. Các trải nghiệm ấy giúp trekking trở thành hành trình kết nối với thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc, không đơn thuần là “đi bộ xuyên rừng”.
Cùng với đó, hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cần được đầu tư đồng bộ. Đường vào các điểm trekking cần được cải thiện để đảm bảo an toàn; hệ thống biển báo, chỉ dẫn, điểm nghỉ chân, cứu hộ khẩn cấp... phải được xây dựng chuẩn hóa. Điều này không chỉ giúp tăng trải nghiệm mà còn là yếu tố sống còn để đảm bảo an toàn cho du khách. Đặc biệt, cần đào tạo lực lượng hướng dẫn viên chuyên trách, hiểu địa hình, văn hóa bản địa và có kỹ năng xử lý tình huống, sơ cứu y tế. Đây là điểm mà nhiều điểm trekking hiện nay vẫn còn yếu và thiếu.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh vai trò của cộng đồng dân cư tại địa phương. Việc tập huấn cho cộng đồng về các hoạt động bảo vệ môi trường, đón tiếp du khách, phát triển dịch vụ homestay, nghề thủ công... không chỉ giúp họ có thêm thu nhập, mà qua đó góp phần nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Khi những cung đường mòn uốn lượn giữa đại ngàn trở thành mạch sống, khi người dân bản địa trở thành những đại sứ văn hóa thực thụ, và khi du khách không chỉ đến rồi đi mà mang theo ký ức sâu đậm về một vùng đất kỳ diệu - đó chính là lúc trekking không chỉ hấp dẫn, mà trở thành điểm nhấn mới của du lịch xứ Thanh.