Đề thi tú tài Văn học Pháp 2024: Những khuôn mặt tan vỡ của chiến tranh

Kỳ thi tú tài ở Pháp (kỳ thi dành cho học sinh năm cuối trung học diễn ra trên toàn nước Pháp) diễn ra cùng thời điểm với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam. Ngữ liệu đề thi có chủ đề Chiến tranh thế giới thứ nhất và 'những khuôn mặt tan vỡ'.

Les Gueules Casseés - Bức tranh minh họa tác phẩm văn học của Marc Dugain nói về vết thương chiến tranh, một trong những chủ đề vào đề thi tú tài Văn học Pháp 2024.

Les Gueules Casseés - Bức tranh minh họa tác phẩm văn học của Marc Dugain nói về vết thương chiến tranh, một trong những chủ đề vào đề thi tú tài Văn học Pháp 2024.

Kỳ thi này thường diễn ra khoảng giữa tháng Sáu hằng năm. Các học sinh sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, sẽ phải trải qua một kỳ thi đánh giá các môn: Khoa học, Kinh tế và xã hội, Công nghệ và Văn học Pháp.

Cũng giống như ở Việt Nam, dư luận xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh Pháp rất quan tâm tới kỳ thi này. Báo chí và các kênh truyền thông cũng rầm rộ đưa tin, tạo ra một đề tài sôi nổi và thú vị, thu hút sự chú ý của đông đảo tầng lớp nhân dân; từ chính trị gia đến sinh viên, viên chức, tác gia... Sở dĩ có sự bàn luận sôi nổi này là vì các đề thi tú tài tại Pháp được ra theo kiểu đề thi mở.

Đề thi tú tài Văn học Pháp năm 2024 trích dẫn một đoạn văn bản của nhà văn Marc Dugain xuất bản năm 1999. Nội dung văn bản đề cập đến chủ đề Chiến tranh thế giới thứ nhất và "những khuôn mặt tan vỡ". Marc Dugain là nhà văn thành công, ông đã nhận hơn 30 giải văn học Pháp và quốc tế.

Câu hỏi cụ thể đề thi Văn học Pháp dành cho thí sinh như sau:

1. Các nhân vật trong văn bản được trích dẫn là ai?

2. Điểm chung giữa các nhân vật là gì? Hai yếu tố phản ứng nào của nhân vật khiến bạn mong đợi nhất?

3. Các nhân vật có giao tiếp với nhau dễ dàng hay không? Hãy chứng minh quan điểm của bạn bằng dẫn chứng trong văn bản?

4. Vì sao nhân vật Marguerite muốn làm y tá trong chiến tranh? Nêu dẫn chứng cụ thể.

5. "Cô ấy giống như một luống hoa hồng bị xé ra từ giữa"* biện pháp tu từ nào đã được tác giả sử dụng? Tại sao nó thích hợp khi miêu tả khuôn mặt Marguerite. Bày tỏ quan điểm và nêu dẫn chứng từ đoạn văn.

Từ ngoại hình của Marguerite hãy miêu tả chân dung đạo đức của nhân vật thông qua văn bản trích dẫn.

6. Trải nghiệm của các nhân vật gợi cho bạn những suy nghĩ gì về Chiến tranh thế giới lần thứ nhất?

Đề thi như trên khiến người chấm không thể coi trả lời thế này là đúng, trả lời thế kia là sai. Rất nhiều lần câu hỏi yêu cầu thí sinh chứng minh. Chứng minh để bảo vệ ý kiến và quan điểm cá nhân của mình, để xây dựng lập luận sắc bén, để thể hiện góc nhìn và tư duy riêng.

Đọc đề thi Văn học tú tài của Pháp, chúng ta liệu có thấy thấy "thèm" được làm một đề thi như thế? Không phải chỉ bởi ngữ liệu đề thi quá hay, mà phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội rộng mở, thể hiện kiến thức tổng hợp, tầm hiểu biết rất "trưởng thành" mà tất nhiên từ các kiến thức mà học sinh đã được học trong trường.

Hay đúng hơn là, chúng ta đều "thèm" một nền giáo dục mở. Xin nhắc lại rằng, đây là đề thi tú tài - tương đương thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ta hiện tại.

Trong nhiều năm, những đề thi tốt nghiệp trung học dạng này được đông đảo công chúng Pháp ủng hộ. Không chỉ mở đối với đề thi Văn học, kỳ thi tú tài cũng áp dụng đề thi mở với tất cả các môn thi khác, đặc biệt là môn Triết học.

Như vậy, ở Pháp, người ta quan niệm thế nào là người "có trình độ giáo dục phổ thông"?. Nhiệm vụ của bậc giáo dục phổ thông ở Pháp là gì? Có thể hình dung cách họ nghĩ về những điều đó thông qua môn thi và đề thi.

Có thể thấy, từ bậc học phổ thông, người Pháp đã có thể suy nghĩ và có câu trả lời riêng, chính kiến của mình, bày tỏ thái độ của mình. Đó là "trình độ giáo dục phổ thông" đúng nghĩa. Còn bậc đại học sẽ có nhiệm vụ khác, nền tảng kiến thức khác.

Sau 12 năm học phổ thông, học từ ma trận, tuyến tính, hình học không gian, học lý từ Newton đến Einstein, học hóa từ Pasteur đến Mendeleev, học sử từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai, rồi học địa lí quốc gia, địa lí thế giới, sinh học... Nếu không thể tổng hợp và có ý kiến của riêng mình về những gì đã học thì chưa thể coi là một người có kiến thức "phổ thông" ở Pháp.

Giáo sư Hoàng Tụy, người học trò trong Lớp đại học đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp và sinh viên đầu tiên được đào tạo từ xa ở Việt Nam đã từng được Tạp chí Công dân và Khuyến học đề cập từng kể rằng: "Suốt thời phổ thông trong nền giáo dục Pháp thuộc, thầy cũng từng học đủ thứ như thế rồi thi tú tài, phải viết bài luận dài suốt ba tiếng đồng hồ với câu hỏi: "Thế nào là một người có văn hóa?"." Nghĩa là đã có một số những học trò Việt Nam thời trước, từng trải qua giáo dục dưới thời Pháp thuộc.

Học sinh ở nước ta bắt đầu đi học từ 6 tuổi, trải qua mười hai năm học và thi tốt nghiệp trung học phổ thông để chính thức trở thành công dân trưởng thành của đất nước. Nhiệm vụ của nền giáo dục là chuẩn bị hành trang cho một người trưởng thành tự tin đối mặt với những câu hỏi hiện sinh, những vấn đề xã hội, làm một người tự do và chịu trách nhiệm với lựa chọn của chính mình.

Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện đang thực hiện ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ dần bỏ chuyện học tủ, học thêm. Các kỳ thi thoát khỏi ám ảnh và nỗi lo sợ lộ đề, gian lận. Khi nền giáo dục hướng tới phổ cập toàn dân, ai cũng được đi học, ai cũng được đến trường, thoát được nạn mù chữ thì cũng cần được tiệm cận đến yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn kiến thức công dân mới.

Ngô Thọ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-tu-tai-van-hoc-phap-2024-nhung-khuon-mat-tan-vo-cua-chien-tranh-17924070311442477.htm
Zalo