Đề thi tốt nghiệp phân hóa cao sẽ là bàn đạp để trường phổ thông đổi mới dạy - học

Đề thi có tính phân hóa cao nhằm tạo cơ sở tin cậy để đánh giá đúng năng lực học sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ theo tinh thần tự chủ.

Với hơn 1,13 triệu thí sinh đã tham gia tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi năm 2025 đóng vai trò bản lề, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29, Kết luận số 91 của Trung ương và các thách thức đề ra đối với công tác đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đề thi năm 2025 đã có những sự điều chỉnh giúp đánh giá đúng năng lực của thí sinh cũng như tạo cơ sở vững chắc cho công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học được thuận lợi, công bằng và hiệu quả.

Không chỉ vậy, đề thi còn là "điểm tựa" để các trường nhìn nhận lại quá trình giảng dạy, xây dựng kế hoạch đào tạo, phương pháp học tập, ôn luyện bài bản, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho người học.

Đề thi tốt nghiệp đảm bảo tính phân hóa là phù hợp với xu thế quốc tế

Việc đổi mới cấu trúc định dạng đề trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giúp đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh; tránh học tủ, học lệch; độ phân hóa phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay thể hiện rõ định hướng đánh giá năng lực, chứa những chất liệu thực tế nhằm kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, tư duy logic và phân tích phản biện của người học.

Có thể thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng xây dựng đề thi theo hướng thực chất hơn, đồng thời nâng cao mức độ phân hóa, sàng lọc thí sinh là bước đi cần thiết và phù hợp với xu thế quốc tế. Bên cạnh mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi còn đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Từ đó cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Vì vậy, cấu trúc đề được thiết kế theo tỷ lệ là 4 phần “nhận biết”, 3 phần “thông hiểu” và 3 phần “vận dụng”. Với cách phân bổ này, những học sinh nắm chắc và hiểu sâu kiến thức phổ thông có thể đạt được 7 điểm, vượt qua đủ ngưỡng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi 3 điểm còn lại sẽ sử dụng là cơ sở để phân loại rõ ràng hơn năng lực của thí sinh trong tuyển sinh đại học. Chủ trương phân hóa như vậy là cần thiết và chính đáng, nhằm phục vụ song song hai mục tiêu là đảm bảo chuẩn đầu ra và tạo căn cứ để xét tuyển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung là 70% kiến thức nền tảng và 30% kiến thức phân hóa.

Đây là năm đầu tiên triển khai theo cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng thầy cô và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay. Song, trước ý kiến nhận xét đề thi khó hơn, thầy Nam cho rằng đó không phải là vấn đề mấu chốt. Với cấu trúc đề thi theo cấu trúc 7/3, phổ điểm trung bình dự kiến dao động trong khoảng 6-7 điểm. Điều quan trọng là cần phân tích phổ điểm để xem mức độ phân bố có đạt chuẩn theo đường phân phối không. Còn việc điểm trung bình có thể lệch nhẹ sang trái hay phải thì không phải là điều đáng lo ngại nếu đề thi bảo đảm tính phân hóa hiệu quả.

Mặt khác, để ngành giáo dục tiếp tục phát triển, từng bước chuẩn hóa đề thi và đảm bảo sự ổn định, tính thống nhất và độ đồng bộ, giáo viên cần được bồi dưỡng sâu về cách thức ra đề theo hướng đánh giá năng lực, tăng cường tư duy phản biện và bảo đảm độ phân hóa rõ ràng. Việc phân tích độ khó của từng câu hỏi, cân bằng mức độ giữa các mã đề, cũng như thử nghiệm phổ điểm trước khi áp dụng chính thức là những bước cần thiết để đảm bảo tính khoa học. "Nâng cao chất lượng" và "gia tăng độ khó học thuật” là hai yếu tố khác nhau, cần được xác định bằng các phương pháp phân tích thống kê và ứng dụng lý thuyết đo lường.

Ngoài ra, việc học sinh cảm thấy áp lực khi đứng trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 - một bước ngoặt quan trọng về đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá là điều dễ hiểu. Dưới góc nhìn một chuyên gia tâm lý, thầy Nam cho rằng sự căng thẳng nhiều khi đến từ tâm lý phải lúc nào cũng dẫn đầu, kỳ vọng luôn đạt thành tích xuất sắc mới có thể thi đỗ, dẫn đến chủ nghĩa hoàn hảo và cảm giác lo âu khi không làm được tất cả câu hỏi trong đề thi.

Kỳ thi không chỉ là đích đến mà còn là bàn đạp đổi mới dạy và học

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hoàng Long - Phó trưởng khoa, Khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, yêu cầu đánh giá năng lực của học sinh không còn dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức một cách đơn thuần, mà chuyển sang đánh giá khả năng vận dụng, tư duy và giải quyết vấn đề trong tình huống thực tiễn, ngữ cảnh cụ thể. Đơn cử như đối với môn Toán, đây là môn học vốn được xem gắn liền với tư duy logic và kỹ năng tính toán, giờ đây phải mở rộng hơn nữa vai trò của mình khi trở thành công cụ để học sinh trang bị năng lực biết cách giao tiếp với toán học.

Điều này đồng nghĩa với việc các em cần có khả năng đọc - hiểu các văn bản toán học mang tính thực tiễn cao, nhiều khi là những đoạn văn dài. Từ đó, người học nhận biết, phân tích, chắt lọc được những thông tin cần thiết, dữ liệu có liên quan, xác định vấn đề trọng tâm và từng bước hình thành mô hình toán học để giải quyết bài toán đặt ra, mô phỏng những tình huống thực tế trong đời sống. Đây chính là mục tiêu cốt lõi mà chương trình dạy và học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực hướng tới.

 Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Nếu chúng ta mong muốn phát triển năng lực người học, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp không còn là kiểm tra kiến thức đơn thuần mà là đánh giá mức độ vận dụng và tư duy, thì việc đưa vào đề thi những bài toán gắn với thực tiễn, mang tính phân tích, mô hình hóa là điều tất yếu. Đó không chỉ là yêu cầu về mặt kỹ thuật ra đề, mà còn phản ánh một thay đổi về triết lý giáo dục, từ tiếp cận công thức sang tiếp cận năng lực.

Với yêu cầu đổi mới trong cách thức ra đề theo hướng đánh giá năng lực, các trường phổ thông cần chủ động trang bị cho học sinh những kỹ năng thiết yếu như phân tích và xử lý thông tin, tư duy logic, cũng như khả năng vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tiễn để học sinh có thể tiếp cận và giải quyết tốt các nhiệm vụ được đặt ra trong đề thi. Điều này cũng góp phần tạo dựng nền tảng để người học bắt đầu làm quen với những yêu cầu nghiên cứu, tự học khi theo đuổi ngành học ở bậc học cao hơn.

Có thể nói, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay tạo ra một cú hích quan trọng, làm lực đẩy cho quá trình nâng cao năng lực và trau dồi kỹ năng toàn diện cho học sinh ngay từ bậc trung học phổ thông. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh bức tranh nghề nghiệp đang chuyển biến mạnh mẽ, với những yêu cầu ngày càng cao về khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Việc chuẩn bị hành trang những kỹ năng này giúp học sinh không chỉ vượt qua các kỳ thi, mà còn tự tin bước vào quá trình học tập và làm việc trong tương lai.

 Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Sự thay đổi này chính là cơ hội để người học phát triển bản thân, và để các trường rà soát, điều chỉnh lại phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực. Những năm sau tiếp tục được triển khai thực hiện ổn định, thống nhất và đồng bộ thì cả thầy và trò sẽ thích ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục một cách bền vững.

Đánh giá đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông có sự công phu và dụng ý sư phạm của người ra đề, thầy Nguyễn Bá Tuấn - giáo viên Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (phường Tây Hồ,Hà Nội) nhận định đề thi năm nay có sự phân loại học sinh rất cao, không phải vì câu hỏi đánh đố về mặt hình thức mà cần sự thông hiểu qua chiều sâu tư duy và khả năng vận dụng kiến thức. Các câu hỏi được thiết kế với ngữ liệu gần gũi, nhưng để trả lời tốt, học sinh phải có khả năng đọc kỹ, hiểu vấn đề và vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học. Đó chính là điểm làm nên chất lượng phân hóa thực sự, không dựa vào độ khó máy móc mà dựa vào mức độ thông hiểu, tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề của người học.

Việc đổi mới trong cách thức ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông giúp góp phần xây dựng định hướng theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thích ứng với yêu cầu của cấu trúc ra đề mới, học sinh cần được trang bị toàn diện các phẩm chất, năng lực cốt lõi như: kỹ năng đọc hiểu, xử lý thông tin, tư duy logic, phân tích phản biện, đánh giá tình huống, và khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Các câu hỏi mang tính ứng dụng, liên môn trong đề thi hiện nay không chỉ kiểm tra kiến thức theo chiều rộng mà còn đòi hỏi tư duy theo chiều sâu.

Đồng thời, việc đổi mới đề thi cần song hành với quá trình thay đổi phương pháp dạy học, trong đó chú trọng phát triển năng lực tự học, tư duy phân tích, lập luận toán học và khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống gắn với thực tiễn. Thay vì giảng dạy theo lối mòn, học sinh cần có khả năng thích ứng được với xu thế giáo dục hiện đại. Tinh thần tích hợp liên môn, đề cao tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề chính là mục tiêu mà giáo dục phổ thông mới hướng tới.

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-thi-tot-nghiep-phan-hoa-cao-se-la-ban-dap-de-truong-pho-thong-doi-moi-day-hoc-post252806.gd
Zalo