Để sản xuất vụ mùa thắng lợi
Vụ mùa năm nay, tỉnh Hưng Yên phấn đấu gieo cấy hơn 97,5 nghìn ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao khoảng 53.450 ha, chiếm hơn 54% diện tích, còn lại là lúa năng suất. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng... ngành nông nghiệp và môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm sản xuất vụ mùa thắng lợi cả về năng suất và sản lượng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: Từ đầu năm đến nay, lượng mưa trung bình cao hơn 20-40% so với các năm gần đây. Dự báo từ nay đến cuối tháng 10 có khoảng 8-11 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó 4 - 5 cơn có thể ảnh hưởng đến đất liền; trong đó mưa lớn diện rộng tập trung ở Bắc Bộ trong tháng 8 - 9, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn cho sản xuất vụ mùa. Đặc biệt nếu tác động vào giai đoạn cuối vụ mùa, chuẩn bị thu hoạch, sẽ ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm năng suất và sản lượng chung của toàn vụ.
Thời điểm này, gia đình bà Đỗ Thị Ninh, thôn An Bá, xã Ân Thi đã hoàn thành gieo cấy 5 mẫu ruộng và đang chuẩn bị cho hơn 1 mẫu tiếp theo. Để bảo đảm lúa sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nắng nóng và mưa thất thường, bà Ninh chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi be bờ giữ nước khi trời nắng hạn, đồng thời tạo rãnh thoát nước khi mưa lớn. Vụ mùa này, mưa nắng thất thường cũng cần phải có phương án đề phòng”.

Bà Ninh be bờ giữ nước cho lúa những ngày nắng nóng.
Do lo ngại diễn biến thời tiết bất thường và sâu bệnh phát sinh gây hại, bà Bùi Thị Băng, phường Phố Hiến đã quyết định chỉ cấy 3 trên tổng số 5 sào ruộng gần nhà, bỏ trống 2 sào ở xa. Bà Băng cho biết: "Thời gian sản xuất vụ lúa mùa ngắn, nguồn sâu bệnh tồn dư từ vụ trước vẫn còn, thêm vào đó nắng xen mưa, bão thất thường ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa. Vì thế, gia đình tôi phải thường xuyên theo dõi đồng ruộng để kịp tiêu úng trong những ngày mưa lớn, đảm bảo giữ đủ nước trên đồng ruộng.

Nông dân phường Phố Hiến đang gieo cấy lúa mùa.
Theo ông Đào Xuân Hiệu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên: Thời tiết và những yếu tố khác đang tác động mạnh đến sản xuất vụ mùa như: Vụ xuân 2025 kéo dài hơn 7-10 ngày so với cùng kỳ gây áp lực đến công tác làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Do thời gian chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa ngắn, phát sinh thêm chi phí do người dân phải sử dụng các chế phẩm sinh học, rắc vôi bột trong quá trình làm đất, nhằm hạn chế tình trạng nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ cho lúa sau cấy; nguồn sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân 2 chấm trên mạ mùa cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.
Một khó khăn nữa lao động trong nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch sang các ngành phi nông nghiệp, nhất là lao động trẻ, gây thiếu hụt nguồn lao động trong sản xuất.
Nhằm giúp bà con nông dân ứng phó hiệu quả với diễn biến thời tiết phức tạp và bảo đảm vụ lúa mùa đạt năng suất cao nhất, ông Đào Xuân Hiệu cho biết thêm: Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các địa phương xây dựng phương án và tổ chức thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ trên đất trồng lúa, nhất là vùng sản xuất kém hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và điều kiện cụ thể của địa phương, hạn chế mức thấp nhất diện tích đất không sản xuất ngay từ đầu vụ; đôn đốc các địa phương huy động tối đa nhân lực, vật lực hoàn thành gieo cấy trước ngày 20/7. Chú trọng tiêu úng cho lúa mùa, đồng thời điều tiết nước khoa học, hợp lý theo nhu cầu của cây lúa trong từng giai đoạn phát triển, không để khô hạn hoặc ngập úng. Các địa phương hướng dẫn bà con nông dân dự phòng giống trong trường hợp mưa lớn, ngập úng ở đầu vụ; tổ chức phòng trừ sâu bệnh kịp thời.