Để lý luận phê bình 'nâng cánh' cho nghệ thuật sân khấu nước nhà

Được biết đến là 'nhà phản biện' của nghệ thuật sân khấu, nhà lý luận Hoàng Thanh Du luôn có những bình luận sắc sảo về những vấn đề lý luận phê bình (LLPB) trong sân khấu nói riêng và trong văn học nghệ thuật (VHNT) nói chung.

Phóng viên Tạp chí Văn hóa và Phát triển đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

PV: Người ta thường nói nhiều về LLPB trong VHNT. Theo ông nên hiểu thế nào nào cho đúng?

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du: Theo tôi xác định và nhận diện LLPB là cầu nối tinh thần giữa sáng tạo và những người thụ hưởng những sáng tạo. Vì vậy LLPB phải hướng đến sự khám phá, giải mã những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng tiềm ẩn của sáng tạo bởi chức năng của LLPB còn biểu hiện ở chỗ là người định hướng, gợi mở chân thành cho các nhà sáng tạo trong việc khai phá con đường sáng tạo.

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du trong một chương trình truyền hình. Ảnh: VTV

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du trong một chương trình truyền hình. Ảnh: VTV

PV: Theo ông, yếu tố nào quan trọng nhất trong LLPB trong VHNT ?

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du: Yếu tố quan trong nhất trong LLPB VHNT phải trung thực thẳng thắn bởi LLPB giữ vai trò là người chỉ đường và đồng hành trên con đường sáng tạo… LLPB phải coi trọng tính nhân văn của những sáng tạo biểu hiện thông qua sự dân chủ, bình đẳng trong đối thoại, trao đổi giữa các chủ thể lý luận phê bình với nhau.

Có thể có sự khác biệt trong cái nhìn và quan điểm nhưng tựu trung vẫn sẽ mở ra cách nhìn, gạn lọc cách khám phá mới trong sự tiếp nhận, khám phá các sáng tạo. LLPB VHNT không chỉ coi trọng sự đối thoại mà còn cần có chủ hướng rõ ràng, vì như chúng ta đã biết sự tìm kiếm những giá trị nhân văn biểu hiện chủ hướng của nhà LLPB cần hướng tới vẻ đẹp của lòng nhân ái, lòng trắc ẩn trước nỗi đau thân phận và phát hiện những giá trị của cái đẹp, bộc lộ sự cảm thông, sẻ chia để đích đến cũng là đích đến phục vụ đời sống tinh thần của con người.

PV: Với nghệ thuật sân khấu thì vai trò, vị trí của LLPB ở đâu?

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du: Về Lý thuyết thì LLPB sân khấu là vô cùng cần thiết nó luôn được ở đúng vị trí trang trọng mà ngay từ khi hình thành nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp. Bởi nó chính là thước đo phản biệt của cảm xúc và cả định hướng với chủ đề nội dung và chủ đề tư tưởng của một vở diễn sân khấu. Và như vậy thì vai trò của LLPB trong sân khấu là để thực hành phê bình, đánh giá, nghiên cứu một kịch bản, phân tích, đánh giá một kịch bản và vai trò của người nghệ sĩ tham gia sáng tạo trong tác phẩm đó.

Đó chính là mối quan hệ của LLSK với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu (NTSK), đồng thời tùy thuộc vào chính thể và xã hội hiện nay và tương lai có coi trọng NTSK làm trung tâm giải trí, nữa không? NTSK có còn là món ăn tinh thần không thể thiếu để phục vụ đời sống như đã có một thời trong công cuộc dựng nước và giữ nước nó đã có một vị trí trang trọng. Nếu NTSK được Nhà nước coi trọng tức là NTSK sẽ có được sự đầu tư để phát triển… để NTSK là các sáng tạo ra các tác phẩm vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh tuyên truyền cho đường lối, cho đấu tranh loại bỏ những xấu xa những đòi hỏi cấp thiết nói hộ lòng người những vấn đề bức thiết để hướng đến thẩm mỹ cuộc sống cao đẹp trong cuộc sống không?

Theo tôi, câu hỏi này chúng ta xin dành cho các cơ quan chức năng mà chính thể này giao phó cho họ, họ sẽ trả lời cho chúng ta chính xác nhất. Còn riêng tôi thì tôi khẳng định chắc chắn mối quan hệ giũa NTSK và LLPB sân khấu không thể tách rời, nó sẽ luôn song hành… bởi LLPB là tấm gương soi rọi, phản chiếu làm rõ những sáng tạo của NTSK.

PV: Thế còn thực trạng của LLPB sân khấu trong giai đoạn hiện nay thì sao?

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du: Trong hiện tại ư? Có thể tôi “bi quan” nhưng với tôi, LLPB sân khấu nó đang chìm dần và nếu không nhanh tay cứu vớt thì nó sẽ mất đi vĩnh viễn cái chức năng của LLPB nói chung trong VHNT và NTSK nói riêng của chúng ta… Như chúng ta đang thấy cái gọi là LLPB hiện chỉ còn lại những tin bài được đăng báo để giới thiệu đưa tin nội dung và ngợi ca chung chung một chiều (việc này thì bất cứ phóng viên bình thường của báo đài này cũng làm được không cần đến vai trò của LLPB). Còn như tôi được biết thì còn một thực trạng nữa đang xảy ra… đó là chúng ta, ngành Sân khấu còn rất nhiều nhà LLPB sắc sảo có bằng cấp bài bản đẳng cấp nhưng hiện tại họ đã thu mình lại vì nhiều lý do… nhưng lý do chủ yếu nhất là họ ngại va chạm…

Họ không được nói thật do môi trường các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật hay các nhà chuyên môn sân khấu không muốn nghe phê bình bằng lý luận… Hơn nữa bài viết của họ chẳng có báo đài nào dám đăng (câu chuyện này làm tôi nhớ những thập niên 70 -80 -90, chúng ta có những nhà LLPB sân khấu sắc sảo, tài năng như Đức Kôn, Từ Lương, Minh Thái, Trần Trí Trắc, Trần Đình Ngôn, Lê Huy Quang, Lê Quý Hiền… đã được Tạp chí Sân khấu và các tòa soạn báo tên tuổi đặt bài thường niên… Quan trọng hơn họ được một cơ chế coi trọng những bài viết của họ mỗi khi có tác phẩm sân khấu ra đời…). Hiện tại đáng buồn là các nhà LLPB có lòng tự trọng thì im hơi lặng tiếng… vô tình đã để khoảng trống ấy cho một số phóng viên không có nghề LLPB trong phạm vi ngành Sân khấu của địa phương hay của quốc gia viết bài thái quá khen lấy được, khen khi không có cả cơ sở hay nghiệp vụ chuyên môn …

Nói như vậy không phải không xuất hiện mới những người viết LLPB cho sân khấu… Tuy họ chỉ đăng trên trang mạng xã hội nhưng hơn hẳn những phóng viên có nghiệp vụ lấy tin không có chút chuyên môn, hiểu biết học thuật về sân khấu (đấy chưa nói đến việc các đơn vị đặt hàng họ viết). Thậm chí đã có những cuộc tranh luận trên hệ thống mạng xã hội khá gay gắt khi một nhà báo vì bảo vệ sự khen ngợi “thái quá" của mình về một vở diễn đã nghiệp dư đến nỗi đòi khán giả đi xem vở diễn sân khấu phải đọc kịch bản trước…

Như anh đã thấy, đó chính là lý do làm khán giả đi xem hụt hẫng, thất vọng phàn nàn về những chứng tật phổ biến thái quá của những bài viết về tác phẩm sân khấu. Đương nhiên họ có cả sự hoài nghi về sự hữu dụng của LLPB đối với sự phát triển của đời sống nghệ thuật sân khấu.

Cảnh trong vở “Tiếng trống Mê Linh” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân.

Cảnh trong vở “Tiếng trống Mê Linh” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân.

PV: Vậy phải làm gì để có hướng phát triển LLPB sân khấu hiện nay, thưa ông?

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du: Như các vị đã biết, LLPB trong VHNT nói chung và trong sân khấu nói riêng của Việt Nam đang tồn tại ba cách phê bình:

1/ Phê bình kiểu báo chí

2/ Phê bình kiểu văn nghệ sĩ

3/ Phê bình chuyên nghiệp (hàn lâm).

Hiện nay, cách phê bình văn học báo chí và phê bình kiểu văn nghệ sĩ đang chiếm ưu thế về số lượng trên hầu hết các báo và tạp chí.

Kiểu phê bình báo chí, người viết phê bình chủ yếu so sánh, đối chiếu và đánh giá về mức độ phản ánh hiện thực trong các sáng tạo VHNT so với hiện thực của đời sống xã hội.

Kiểu phê bình nghệ sĩ, người viết phê bình chủ yếu khám phá cơ chế sáng tạo của các người làm nên tác phẩm nghệ thuật và hiệu quả xã hội của tác phẩm ấy.

Hai kiểu phê bình này thường đáp ứng nhu cầu “tiêu dùng” về mặt tinh thần của người đọc. Chính vì thế nó chiếm được vị thế trong hoạt động lý luận phê bình VHNT của mọi thể loại nghệ thuật thời hiện đại.

Đối với phê bình văn học theo kiểu chuyên nghiệp (hàn lâm), người viết LLPB khám phá, giải mã những giá trị nội tại của tác phẩm. Nhà LLPB VHNT theo kiểu chuyên nghiệp thường dựa vào quan niệm của một hoặc nhiều hệ hình phê bình nào đó để giải mã, đánh giá những giá trị nội tại của tác phẩm.

Phê bình VHNT theo kiểu hàn lâm khó tìm được hiệu ứng xã hội và ít có sự cộng hưởng của bạn đọc nên nó khó tìm được vị trí quan trọng trong sinh hoạt đời sống của VHNT.

Theo tìm hiểu của tôi, LLPB trong VHNT Việt Nam hiện đại có hai chứng tật phổ biến đó là:

- Phê bình phán xử (cả khen và chê) mang tính chủ quan, áp đặt và phê bình bỏ qua những chi tiết sáng tạo góc nhìn mới, không bám sát những giá trị nghệ thuật và tư tưởng nội tại của tác phẩm. Kiểu phê phán xử, nhà phê bình khám phá, đánh giá tác phẩm theo những quan niệm có sẵn, theo một định kiến nên dễ dẫn đến tình trạng khen chê một chiều, chủ quan và tùy hứng. Kiểu phê bình này từng thống soái hoạt động lý luận phê bình VHNT suốt nhiều giai đoạn của lịch sử VHNT đồng thời, vẫn còn rơi rớt trong một số bài phê bình văn học của những nhà phê bình quyền uy và một số nhà báo chuyên viết về VHNT…

- Kiểu phê bình văn học bỏ những sáng tạo góc nhìn mới hiện khá phổ biến trong hoạt động LLPB VHNT. Thậm chí, có nhà LLPB khi viết phê bình về một tác phẩm VHNT thường không bám sát các yếu tố đặc thù cho từng thể loại nghệ thuật trong tác phẩm để phê bình, đánh giá mà chủ yếu viện dẫn những quan niệm về triết học, VHNT của các nhà tư tưởng, văn nghệ sĩ nổi tiếng để “úp chụp” vào tác phẩm. Phê bình kiểu này giống như đem “cái mũ” lý luận đội “lên đầu” tác phẩm. Người viết phê bình chủ yếu phô diễn cái “biết tuốt” của cá nhân mình mà không hề hướng tới việc cảm thụ, khám phá sự bí ẩn của sự sáng tạo nghệ thuật trong tác phẩm.

Tái hiện “hiện tượng Thái hậu Dương Vân Nga” trên sân khấu cải lương tại chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương. (Ảnh: Ngọc Tuyết).

Tái hiện “hiện tượng Thái hậu Dương Vân Nga” trên sân khấu cải lương tại chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương. (Ảnh: Ngọc Tuyết).

PV: Vậy nên làm gì để nhận diện những chứng tật của LLPB trong VHNT nói chung và sân khấu nói riêng?

Nhà lý luận Hoàng Thanh Du: LLPB trong VHNT hiện đại có vẻ như đang chìm dần bởi bệnh đã trầm kha nhưng không phải là không thể chữa trị. Theo tôi, có hai cách chữa trị đó là: Thứ nhất, mở rộng, tiếp thu và vận dụng có sáng tạo các hệ hình LLPB và thứ hai, tăng cường tính đối thoại, bình đẳng, tranh luận trong hoạt động của nghệ thuật sân khấu.

Để LLPB sân khấu phát triển và hòa nhập với xu hướng chung của VHNT thì hơn ai hết các nhà LLPB cần phải tiếp thu có sáng tạo các thành tựu của các hệ hình phê bình trên thế giới như: Phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc học, phê bình bản thể luận, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu hiện đại...

Nếu người viết LLPB sân khấu nghèo nàn trong sự hiểu biết về các hệ hình LLPB sân khấu và chỉ vận dụng một hệ hình LLPB để đánh giá các tác phẩm sân khấu sẽ dẫn đến tình trạng LLPB sân khấu trở nên lạc hậu và độc tôn, không khám phá được những giá trị sáng tạo mới lạ tìm tòi của các vở diễn sân khấu. Điều này chẳng khác gì một người chỉ có trong tay duy nhất một chiếc chìa khóa nên không thể mở được nhiều cánh cửa để mở ra những căn phòng bí ẩn khác nhau…

Cái cuối cùng của các hoạt động VHNT thì luôn song hành với tác phẩm cũng như của sân khấu chúng ta là các vở diễn (đối với ê kíp sáng tạo và biểu diễn). Và LLPB chính là công việc gạn lọc tìm ra định hướng thẩm mỹ khích lệ khán giả đến rạp tự thẩm định một tác phẩm sân khấu…

Rất mong tình trạng không còn các tác phẩm sân khấu mà Nhà nước đặt hàng dàn dựng xong đi liên hoan kiếm huy chương xong về cất kho? Đã đến lúc Nhà nước đặt ra chỉ tiêu phải diễn được bao nhiêu đêm cho một tác phẩm sân khấu và số khán giả được đến xem vở diễn (đấy chưa tính bán vé thu được bao nhiêu)… Lâu nay sân khấu được cấp ngân sách… Nhà nước đổ tiền vào nhiều nhưng quên tính đến hiệu quả phổ cập của các tác phẩm sân khấu được dàn dựng đến với khán giả.

Giờ, không thể khác, Nhà nước phải tính cụ thể. Nó vừa để không lãng phí vật chất, và quan trọng hơn, không lãng phí năng lượng tinh thần của xã hội, khi mà tác phẩm cứ hết sức làng nhàng mà tiền thì vẫn đổ vào như thế. Và lúc ấy chính LLPB sẽ có vai trò chức năng tác dụng và phát triển luôn và ngay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kinh Thầy (thực hiện)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/de-ly-luan-phe-binh-nang-canh-cho-nghe-thuat-san-khau-nuoc-nha-a25545.html
Zalo