Để hàng Việt là lựa chọn số một của người Việt

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, khi người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích: góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước; khích lệ tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam; gìn giữ bản sắc, truyền bá văn hóa, tạo dựng và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Ảnh minh họa: ST

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Ảnh minh họa: ST

Lợi ích kép khi người Việt dùng hàng Việt

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009 nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, đặc biệt là sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước này, cần hình thành trong mỗi người tiêu dùng Việt Nam ý thức trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Việc tiêu thụ hàng Việt Nam đồng nghĩa với việc thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu ngân sách. Đây chính là cách mà mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, bằng hành động cụ thể của mình, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Khi chúng ta mua sản phẩm được tạo ra bởi doanh nghiệp Việt, của người Việt, sản xuất trên đất nước Việt Nam, chúng ta đang góp phần nâng cao giá trị gia tăng tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước và hơn thế nữa là góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.

Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ví von: “Mỗi sản phẩm Việt Nam được người Việt ưu tiên lựa chọn sẽ là một viên gạch nhỏ góp phần xây nên một doanh nghiệp mạnh, một thương hiệu vững bền, một đất nước thịnh vượng”.

Không chỉ góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, sự ủng hộ của người tiêu dùng là động lực to lớn, khích lệ tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những thương hiệu có tính cạnh tranh cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng văn hóa, thể hiện bản sắc và phẩm chất người Việt. Việc sử dụng hàng Việt không chỉ là một hành động kinh tế, mà còn là một hành động thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và nâng cao tính cộng đồng, là cách để chúng ta bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp đã bứt phá vươn lên

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Những thương hiệu như VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm… và nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đóng góp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và đã trở thành niềm tự hào quốc gia, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.

Trong đó, Vinfast với tầm nhìn táo bạo, khả năng thích ứng nhanh đã vươn lên trở thành hãng xe hơi số 1 tại thị trường Việt Nam chỉ sau 5 năm hoạt động, không chỉ chinh phục được thị trường nội địa, mà còn tạo ra một bước tiến mạnh mẽ vươn tầm quốc tế. Thành tựu bước ngoặt của VinFast cũng phản ánh sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam. Người Việt đã có niềm tin và sẵn sàng đón nhận những sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường, với chất lượng cạnh tranh quốc tế từ các doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Người Việt đã có niềm tin và sẵn sàng đón nhận những sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường. Ảnh: MP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Người Việt đã có niềm tin và sẵn sàng đón nhận những sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường. Ảnh: MP

Về câu chuyện của ngành tôm, trong gần 3 thập kỷ qua, nghề nuôi tôm của Việt Nam đã chuyển mình theo phương thức từ nuôi quảng canh, đến bán thâm canh, rồi thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao. Hiện nay, tôm luôn được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp đất nước, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến trong năm 2024 đạt khoảng 5 tỷ USD. Gần 3 thập kỷ qua các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước chủ động các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm như: sản xuất tôm giống, thuốc điều trị bệnh tôm, vùng nuôi tôm thương phẩm và chế biến tôm xuất khẩu.

Thế nhưng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vẫn còn một lĩnh vực là thức ăn tôm - vật tư chiếm 50% giá thành sản xuất, thì gần 3 thập kỷ qua, Việt Nam ta vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ sau gần 5 năm, thương hiệu thức ăn tôm đầu tiên của doanh nghiệp Việt - GrowMax (ra đời vào tháng 6/2020) đã nhanh chóng vượt qua 18 thương hiệu quốc tế lâu năm khác để vươn lên vị trí thứ 2 toàn quốc cả về sản lượng và thị phần. Đây là một minh chứng rõ ràng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành tôm.

Cần tiếp sức cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước

Nhận định về những thách thức với các doanh nghiệp Việt trong tiến trình thúc đẩy “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư nêu rõ, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tư duy sính ngoại còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, gây không ít khó khăn cho hàng Việt Nam trong việc mở rộng thị phần ngay trên “sân nhà”.

Về phía các doanh nghiệp, cũng chưa thực sự đổi mới sáng tạo, làm ra các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Vì vậy, để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam cần trở thành những “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam. Còn các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến chất lượng sản phẩm; đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài.

Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn; thực hiện các chính sách giảm giá thành, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ phía Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững và với tư cách người tiêu dùng lớn nhất, cần tăng cường sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một khẩu hiệu, không chỉ là một phong trào, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, đưa hàng Việt Nam trở thành lựa chọn số một của người Việt Nam, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

QUỲNH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/de-hang-viet-la-lua-chon-so-mot-cua-nguoi-viet-37078.html
Zalo