Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy, nổ

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 31.227 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), trong đó có 6.037 cơ sở do cơ quan công an quản lý với 1.856 cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ, và 25.190 cơ sở do UBND cấp xã quản lý. Cùng với đó, sự phát triển về số lượng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới đã làm gia tăng nguy cơ cháy, nổ cao.

Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC và CNCH cho cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị.

Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn công tác PCCC và CNCH cho cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị.

Từ năm 2015 đến ngày 14/3/2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 998 vụ cháy, làm 20 người chết, 125 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 246 tỷ đồng và 367,88ha rừng; tăng 645 vụ, tăng 13 người chết, tăng 115 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng hơn 200 tỷ đồng so với giai đoạn 2005-2015. Phân tích nguyên nhân cho thấy, có 567 vụ cháy do hệ thống thiết bị điện gặp sự cố, chiếm 56,81% tổng số vụ cháy; 217 vụ do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt, chiếm 21,74%; 14 vụ do vi phạm các quy định về PCCC, chiếm 1,42% và 198 vụ do nguyên nhân khác chiếm 19,83%.

Đáng chú ý là trong 19 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, mặc dù chỉ chiếm 1,9% tổng số vụ cháy nhưng lại làm 20 người chết (chiếm 100% tổng số người chết), 88 người bị thương (chiếm 70% tổng số người bị thương), thiệt hại về tài sản ước tính 158,9 tỷ đồng (chiếm 54,5% tổng thiệt hại), 215ha rừng (chiếm 58,4%). Những vụ cháy lớn này thường xảy ra ban đêm hoặc rạng sáng, với diện tích trung bình mỗi vụ từ 500m2 đến 1.500m2, tập trung chủ yếu tại các kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và chợ.

Trước thực trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo quyết liệt bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 166/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 quy định về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. UBND tỉnh đã ban hành 129 văn bản, tổ chức 18 cuộc họp, hội nghị về PCCC và CNCH. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng. Từ năm 2015 đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã xây dựng, đăng tải 30 phim tài liệu và 8.585 phóng sự, tin, bài tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đồng thời, đã phát 190.125 lượt tin tuyên truyền về PCCC trên hệ thống loa phát thanh tại phường, xã và phối hợp với các đơn vị viễn thông gửi tin nhắn tuyên truyền đến tất cả thuê bao di động.

Từ đó, phong trào toàn dân tham gia PCCC đã có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng 6 mô hình về an toàn PCCC tại khu dân cư. Đặc biệt, 100% hộ gia đình đã mở lối thoát nạn thứ 2 với 24.109/24.109 hộ và 98,24% hộ gia đình đã trang bị bình chữa cháy với 961.025/978.233 hộ. Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm của người dân trong việc tham gia vào phong trào toàn dân PCCC, góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ, tạo nền tảng vững chắc cho công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, lực lượng PCCC tại chỗ được củng cố mạnh mẽ với việc xây dựng 4.351 đội dân phòng tại 100% thôn, bản, khu phố với 43.510 thành viên. Đồng thời, đã thành lập 6.037 đội PCCC cơ sở với 56.105 đội viên và 21 đội PCCC chuyên ngành với 452 đội viên. Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức 3.601 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH với 237.163 người tham gia, cấp 216.076 giấy chứng nhận huấn luyện về PCCC và CNCH.

Công tác quản lý Nhà nước về PCCC được tăng cường thông qua việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành. Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã tiến hành 3 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 82 lượt đơn vị, kiểm tra định kỳ, đột xuất về công tác PCCC và CNCH tại 134.661 lượt cơ sở, ban hành 4.137 công văn kiến nghị khắc phục tồn tại về PCCC. Đã xử phạt vi phạm hành chính 7.734 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 40 tỷ đồng và tạm đình chỉ hoạt động 449 cơ sở.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đảng ủy Công an tỉnh xây dựng và phê duyệt 4.284 phương án chữa cháy, 3.544 phương án CNCH của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; tổ chức thực tập 2.209 lượt phương án chữa cháy, 1.767 lượt phương án CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở. Hướng dẫn 33.094 cơ sở xây dựng và phê duyệt phương án chữa cháy, 6.698 cơ sở xây dựng và phê duyệt phương án CNCH, tự tổ chức thực tập 56.099 lượt phương án chữa cháy, 5.144 lượt phương án CNCH.

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng chức năng đã điều động 3.196 lượt phương tiện cùng 22.008 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy 816 vụ và 604 vụ CNCH. Đặc biệt, 81 vụ cháy đã được lực lượng tại chỗ dập tắt kịp thời. Về trang bị phương tiện, hiện toàn tỉnh có 92 phương tiện xe chữa cháy, xe chuyên dùng, xe CNCH, máy bơm, tàu, ca nô chữa cháy và nhiều trang thiết bị khác phục vụ công tác PCCC. Công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy được chú trọng, đã chỉ đạo, điều tra làm rõ nguyên nhân 996/998 vụ cháy, đạt tỷ lệ 99,8%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC và CNCH vẫn còn một số hạn chế, như: Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy lớn vẫn tiềm ẩn, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện PCCC tại một số cấp ủy, chính quyền chưa kịp thời, người đứng đầu một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn PCCC. Phong trào toàn dân PCCC tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa sâu rộng. Trang bị phương tiện PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC còn thiếu đồng bộ, phần lớn là xe chữa cháy cũ, chất lượng kém. Hệ thống thông tin liên lạc chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt tại các địa bàn có địa hình phức tạp...

Nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ việc một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ và có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ các quy định về PCCC. Lực lượng cảnh sát PCCC còn mỏng, địa bàn phụ trách rộng, khả năng cơ động còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC của nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, người lao động, người dân sinh sống, làm việc ở nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, rà soát bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC. Đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCC, đặc biệt là hiện đại hóa phương tiện chữa cháy và hệ thống thông tin liên lạc. Tiếp tục củng cố, tăng cường lực lượng PCCC ở các cấp, nhất là lực lượng tại chỗ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác PCCC và CNCH thời gian qua là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường đầu tư trang thiết bị và xây dựng lực lượng PCCC mạnh mẽ, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và tạo môi trường an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/de-giam-thieu-toi-da-thiet-hai-do-chay-no-255321.htm
Zalo