Đe dọa thuế 35% của Tổng thống Trump khiến Nhật Bản lo ngại kịch bản xấu nhất
Mức thuế cao lên đến 35% sẽ là cú đánh nặng nề với kinh tế Nhật Bản.

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN
Chiến lược gây sức ép
Trong ba ngày liên tiếp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những cảnh báo thuế quan cứng rắn nhắm vào Nhật Bản - đồng minh lâu năm của Washington - với đỉnh điểm là mức thuế nhập khẩu lên tới 35%. Những tuyên bố này làm dấy lên lo ngại sâu sắc tại Tokyo về một kịch bản kinh tế tồi tệ nếu đàm phán thương mại giữa hai nước đổ vỡ.
“Nhật Bản nên bị buộc phải trả 30%, 35%, hoặc bất kỳ con số nào chúng ta đưa ra, vì chúng ta đang chịu thâm hụt thương mại rất lớn với họ. Tôi không chắc liệu có thể đạt được thỏa thuận. Nhật Bản rất cứng rắn, họ đã quen được ưu ái,” ông Trump phát biểu ngày 2/7.
Phát biểu này tiếp tục làm gia tăng khả năng Mỹ sẽ áp thuế quan toàn diện vượt mức 24% đưa ra trước đó, vốn đang được tạm hoãn ở mức 10%.
Giới đầu tư và các nhà phân tích quốc tế cảnh báo không nên xem nhẹ các tuyên bố của ông Trump, dù vẫn hy vọng hai nước cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận nhất định. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba cần điều chỉnh chiến lược, bởi thái độ quá cứng rắn có thể đẩy quan hệ song phương đến ngưỡng rạn nứt.
“Cơn thịnh nộ của Mỹ có thể dẫn đến các hành động trừng phạt trong tháng này. Nếu điều đó xảy ra, Nhật Bản khó tránh khỏi việc phải đáp trả bằng các biện pháp riêng,” ông Kurt Tong - cựu nhà ngoại giao Mỹ tại châu Á, hiện là đối tác quản lý tại Asia Group - nhận định.
Mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản không còn là ngoại lệ trong chiến lược thương mại gây áp lực của Tổng thống Trump. Cách tiếp cận "căng rồi mềm" nhằm đạt được nhượng bộ vào phút chót từng được ông áp dụng với Trung Quốc, và nay đang được sử dụng với Tokyo.
Các nhà phân tích cho rằng hai bên vẫn cần khẳng định vị thế nếu đàm phán rơi vào bế tắc. Một số nhà đầu tư dự báo, trong trường hợp không đạt thỏa thuận, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 có thể giảm hơn 4% xuống khoảng 38.000 điểm, thay vì vượt 40.000 nếu hai bên tìm được tiếng nói chung.
Cho đến nay, Nhật Bản vẫn giữ lập trường cứng rắn trong đàm phán thuế quan đối ứng, yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ thuế bổ sung đối với các ngành chiến lược như ô tô, thép và nhôm.
Với ngành công nghiệp ô tô đóng góp gần 10% GDP và tạo việc làm cho khoảng 8% lực lượng lao động, mức thuế cao lên đến 35% sẽ là cú đánh nặng nề với kinh tế Nhật Bản.
“Thỏa thuận phải đôi bên cùng có lợi,” Thủ tướng Ishiba tuyên bố, đồng thời khẳng định “thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi”, dù chính phủ của ông đang chịu áp lực lớn trước cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7.
Ngày 2/7, ông Ishiba tiếp tục nhấn mạnh rằng đóng góp đầu tư và việc làm của Nhật Bản tại Mỹ là minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. “Nhật Bản là nhà đầu tư toàn cầu lớn nhất tại Mỹ và là quốc gia tạo ra nhiều việc làm nhất cho người Mỹ. Chúng tôi khác với các quốc gia khác”, ông khẳng định tại Tokyo.
Khi thời hạn áp thuế mới 9/7 đang đến gần, một số nhà quan sát cho rằng Nhật Bản cần đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực thuyết phục Washington.
“Chúng ta phải tác động trực tiếp đến Tổng thống Trump để tránh các mức thuế có hiệu lực từ ngày 9/7,” cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki phát biểu. Ông cũng cho rằng các phát biểu mới nhất của tổng thống Mỹ cho thấy Tokyo vẫn chưa đưa ra đủ nhượng bộ.
Cựu Đại sứ Fujisaki nhấn mạnh, dù không có lợi thế như đất hiếm, Nhật Bản vẫn nắm giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu: “Khoảng một nửa nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn đến từ các công ty Nhật. Đây có thể là đòn bẩy trong đàm phán với Mỹ.”
Kịch bản tồi tệ nhất: GDP Nhật Bản có thể giảm 1,2%
Theo nhà kinh tế Taro Kimura, nếu mức thuế 30-35% được áp dụng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Mô hình thương mại toàn cầu do ông xây dựng cho thấy GDP Nhật Bản có thể giảm tới 1,2% trong trung hạn, gấp đôi mức giảm 0,6% nếu duy trì mức thuế hiện tại.
Trong khi đó, ông Phillip Wool - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Rayliant Global Advisors - cho rằng việc đặt ra thời hạn đàm phán là một chiến thuật để tăng đòn bẩy, và mức thuế cao có thể chỉ là đòn tâm lý. “Yếu tố ‘sân khấu chính trị’ rất rõ ràng ở đây. Trump muốn thể hiện mình ‘cứng rắn’ với thương mại. Nhưng cuối cùng vẫn cần một thỏa thuận để chứng minh chiến lược này hiệu quả”, ông Wool lý giải.
Liên quan đến phản ứng của thị trường tiền tệ, giới chiến lược gia đưa ra nhận định trái chiều. Trong khi ông Marito Ueda làm việc SBI Liquidity Market cho rằng đồng yên có thể mạnh lên, đưa tỷ giá JPY/USD xuống 138 do tâm lý né tránh rủi ro thì những người khác lại cho rằng khả năng suy yếu là cao hơn.
Ônh Akira Moroga, chuyên gia tại Aozora Bank, nhận định bế tắc thương mại có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trì hoãn việc tăng lãi suất, nhất là nếu mức thuế 35% thực sự được áp dụng.
Tuy vậy, ông Moroga lạc quan cho rằng hai nước cuối cùng vẫn sẽ đạt được thỏa thuận, và “Nhật Bản sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn để làm được điều đó.”