Đe dọa tái hiện khủng hoảng tên lửa Cuba 1962

Việc Nga tái sản xuất tên lửa tầm trung và đe dọa triển khai trên thế giới khiến giới phân tích lo ngại về khủng hoảng tên lửa Cuba 1962.

Nga tái sản xuất và triển khai IRBM

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/6 đã tổ chức cuộc họp với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Chủ đề chính là thảo luận về các bước liên quan đến việc tạm dừng triển khai tên lửa mặt đất tầm trung và tầm ngắn.

Ông Putin đã hướng sự chú ý đến việc Washington đơn phương, với những lý do xa vời, đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) vào năm 2019.

Ngược lại, Nga hứa sẽ không sản xuất hoặc triển khai những tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) cho đến khi Mỹ bắt đầu thực hiện việc triển khai hệ thống của mình ở các khu vực khác trên hành tinh.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, ông biết rằng Lầu Năm Góc đã mang số tên lửa nói trên tới tham gia tập trận ở châu Âu. Ngoài ra, Mỹ đã chuyển một số bệ phóng Typhon trên mặt đất sang Philippines.

Những tổ hợp này có khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, loại tên lửa trước đây bị cấm theo Hiệp ước INF.

Tổng thống Liên bang Nga tin rằng Nga nên đáp trả thích đáng trước những hành động như vậy của Washington, bao gồm cả việc nối lại sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cùng với việc triển khai chúng ở bất cứ địa điểm nào mà Nga thấy cần thiết để bảo đảm an ninh.

Trước thực trạng đó, nhà lãnh đạo Nga chỉ rõ, nước này cần bắt đầu sản xuất những hệ thống tấn công mặt đất tầm trung và sau đó, dựa trên tình hình thực tế, đưa ra quyết định về địa điểm cần thiết nhằm đảm bảo an ninh cho đất nước, để triển khai các hệ thống này.

Nga-Mỹ chính thức khai tử Hiệp ước INF

Chúng ta hãy nhớ lại rằng, thỏa thuận loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã được nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký kết vào năm 1987.

Tài liệu quy định việc đình chỉ sản xuất các tên lửa tầm trung và xử lý loại bỏ những tên lửa hiện có.

Trên cơ sở Hiệp ước INF, Liên Xô và Nga đã phá hủy hơn 1800 hệ thống tên lửa tầm trung, bao gồm RSD-10 Pioneer, OTR-23 Oka và các loại vũ khí khác, còn Hoa Kỳ đã phá hủy một nửa số hệ thống như vậy.

Giới chuyên gia và các quan chức Nga nêu rõ, sau khi rút khỏi INF, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã tái triển khai những bệ phóng các tên lửa như vậy ở cả châu Á và châu Âu và đã đến lúc Nga chính thức khai tử Hiệp ước INF, bởi nếu không, Moscow sẽ chịu nhiều thiệt thòi trước Washington.

Hồi đầu tháng 6/2024, giới chức lãnh đạo Nga đã cảnh báo rằng Moscow có thể cung cấp vũ khí cho các nước khác để tấn công các mục tiêu phương Tây, nhằm trả đũa việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Nga bằng tên lửa tầm xa do lực lượng quân sự các nước NATO cung cấp.

Đặc biệt là vừa qua chính quyền Moscow đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Bình Nhưỡng trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt của ông Putin tới Triều Tiên nhằm tìm ra những cách thức mới để bảo vệ các nước phi phương Tây trước sự bá quyền của Mỹ.

“Khủng hoảng Tên lửa Cuba” 1962

Những lời cảnh cáo của Nga về việc tái sản xuất tên lửa tầm trung và cung cấp hoặc triển khai chúng tới các nơi trên thế giới đã gợi lại mối đe dọa về cuộc “Khủng hoảng Tên lửa Cuba” 1962.

Khủng hoảng tên lửa Cuba (tiếng Anh: Cuban Missile Crisis hay còn được biết với tên gọi “Khủng hoảng tháng 10 tại Cuba”) là cuộc đối đầu giữa Liên Xô-Cuba với Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1962 trong thời Chiến tranh Lạnh.

Vào tháng 9 năm 1962, Chính phủ Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng các căn cứ trên đất Cuba để khai triển một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có khả năng đánh trúng đa số các mục tiêu trên Hoa Kỳ lục địa, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ triển khai tên lửa PGM-17 Thor ở Anh vào năm 1958 và tên lửa Jupiter trên đất Ý và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1961.

Theo tin tình báo Liên Xô nắm được, tổng cộng có hơn 100 tên lửa do Hoa Kỳ chế tạo có khả năng đánh trúng Moscow bằng đầu đạn hạt nhân và Liên Xô quyết định tung ra đòn đáp trả mạnh mẽ ngay sát nách Mỹ.

Cuộc khủng hoảng này có mức độ nghiêm trọng ngang tầm với cuộc phong tỏa Berlin vì đây là một trong các vụ đối đầu chính của Chiến tranh Lạnh và thường được xem là khoảnh khắc mà Chiến tranh lạnh tiến gần nhất để biến thành một cuộc xung đột hạt nhân.

Hoa Kỳ khi đó đã xem xét đến việc tấn công Cuba bằng không lực và hải lực và tiến hành "cách ly" Cuba bằng quân sự. Về phía Liên Xô, nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ John F. Kennedy về hành động sẽ “đưa con người vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh bằng tên lửa hạt nhân toàn cầu”.

Rất may cho nhân loại là cuộc khủng hoảng kết thúc vào ngày 28 tháng 10 năm 1962 khi Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant đạt đến một thỏa thuận với vị lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev để tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh hạt nhân.

Theo đó, Liên Xô đồng ý đưa tên lửa hạt nhân và các máy bay ném bom hạt nhân Il-28 về nước dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc, đổi lại, Hoa Kỳ cam kết sẽ không bao giờ xâm chiếm Cuba và tháo dỡ tất cả các tên lửa đạn đạo PGM-17 Thor và PGM-19 Jupiter đã được triển khai ở châu Âu trước tháng 9/1963.

Hoàng Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-doa-tai-hien-khung-hoang-ten-lua-cuba-1962-post689733.html
Zalo