Để chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên cần tính đầu ra sau phân loại

Muốn thực hiện phân loại chất thải, biến chất thải rắn thành tài nguyên thì điều kiện tiên quyết phải suy nghĩ đến đầu ra cho chất thải sau khi được phân loại.

Đây là khẳng định của ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tại Hội thảo “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên tổ chức chiều 3/7, tại Hưng Yên.

Chính sách tái chế đang dần hoàn thiện

Để đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tại Kết luận, Bộ Chính trị có chỉ đạo: “Tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường”, “Xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát triển ngành công nghiệp tái chế; đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp; giảm thiểu rác thải nhựa”.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại hội thảo

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại hội thảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tập trung, khẩn trương ban hành hàng loạt văn bản pháp luật để hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện công tác phân loại chất thải, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt đáp ứng yêu cầu mới của Luật Bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Thông tư số 34/2024/TT-BTNMT ngày 19/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ngày 20/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt); ban hành văn bản Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023) và gần đây nhất, ngày 06/5/2025 đã ban hành Công văn số 1760/BNNMT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì của các nhà sản xuất, nhập khẩu, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế chất thải và hỗ trợ địa phương cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Cục Môi trường cũng đang từng bước triển khai Cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải thực thi chính sách EPR.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định Quy định về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Nghị định EPR) đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đăng tải công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan.

Cần sớm hình thành ngành công nghiệp tái chế

Tại hội thảo, các đại biểu được phổ biến hướng dẫn triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt và mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; hướng dẫn thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (trên Cổng EPR quốc gia); giới thiệu dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Nghị định EPR).

Hội thảo “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”

Hội thảo “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”

Các đại biểu dự hội thảo trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan như: Tình hình triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương và các khó khăn, vướng mắc; góp ý dự thảo Nghị định EPR.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, nhấn mạnh: Muốn thực hiện phân loại chất thải, biến chất thải thành tài nguyên thì điều kiện tiên quyết phải suy nghĩ đến đầu ra cho chất thải sau khi được phân loại. Chính vì vậy, cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để hình thành các doanh nghiệp tái chế ngay chính tại địa phương mình; cần sớm hình thành ngành công nghiệp tái chế.

Bên cạnh đó, Nghị định EPR là một chính sách hết sức có giá trị để thúc đẩy công tác tái chế, xử lý chất thải, biến chất thải thành tài nguyên, thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn chất thải.

Để biến rác thải đầu ra của ngành này trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác theo đúng định hướng kinh tế tuần hoàn cần có quá trình thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-chat-thai-ran-sinh-hoat-thanh-tai-nguyen-can-tinh-dau-ra-sau-phan-loai-409109.html
Zalo