ĐBSCL đối mặt thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng vùng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.

Chiều 29/11, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL”.

Quang cảnh Diễn đàn.

Quang cảnh Diễn đàn.

Theo báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.

Các vấn đề nổi bật bao gồm: Sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, việc chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác, suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, thay đổi mục đích sử dụng đất kèm theo mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng… Những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.

Tại diễn đàn, ông Đinh Thanh Mừng - Phó trưởng Phòng An ninh nguồn nước (Cục Thủy lợi), cho biết vấn đề thiếu nước tại ĐBSCL thường chưa được chú trọng đúng mức. Sau đợt hạn mặn 2019-2020, vai trò của việc tăng cường chỉ đạo trong quản lý nguồn nước trở nên cấp thiết. Khác với các loại cây trồng các cây ăn quả tại ĐBSCL là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, khó phục hồi hơn, trong khi đây là loại cây trồng quan trọng của vùng và toàn quốc.

Theo ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), hằng năm dòng chảy về ĐBSCL đạt hơn 400 tỷ m3 nhưng vùng nước nội sinh chỉ chiếm 5% (hơn 22 tỷ m3). Do đó, vấn đề xuất hiện lũ, hạn mặn trong mùa khô đều phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng lưu.

Theo ông Tuấn, các giải pháp điều hành thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất tốt, giảm thiểu ảnh hưởng về mức thấp so với tác động của hạn, xâm nhập mặn, trong đó có công tác truyền thông, điều hành phối hợp giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện quản lý tổng hợp như quản lý sản xuất, dự báo thị trường, nâng cao dự báo nguồn nước xâm nhập mặn, hiện đại hóa công tác giám sát. Ông Tuấn cũng khuyến cáo người dân cần chủ động với các giải pháp tích nước, tưới tiết kiệm, phòng chống hạn mặn.

Một con kênh ở miền Tây cạn nước vào đợt hạn mặn 2020-2021.

Một con kênh ở miền Tây cạn nước vào đợt hạn mặn 2020-2021.

Ông Lương Văn Anh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi cho biết, trong thời gian tới, hệ thống thủy lợi sẽ được đầu tư với các giải pháp kỹ thuật cụ thể, như hạ thấp cửa lấy nước, phân phối và điều tiết hiệu quả nguồn nước, đồng thời phân bố nguồn nước từ những khu vực dồi dào sang những vùng thiếu hụt. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước bền vững, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, ông Lương Văn Anh cũng cho biết, kế hoạch truyền thông tổng thể sẽ được xây dựng trong thời gian tới nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.

Thanh Tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dbscl-doi-mat-thach-thuc-nghiem-trong-lien-quan-den-an-ninh-nguon-nuoc-10295556.html
Zalo