ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga: Đề xuất bổ sung 'Nhân dân' làm chủ thể tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực người đứng đầu cơ quan Nhà nước
Việc luật hóa quyền tham gia giám sát của Nhân dân đối với các hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực người đứng đầu cơ quan Nhà nước sẽ giúp Nhân dân xác định rõ nội dung, phạm vi hoạt động, quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia giám sát nhằm đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân theo quy định pháp luật.
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng ngày 29/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về 01 nội dung (1) biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản; (2) biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (3) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tham gia góp ý Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Dự án Luật này, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.
Theo đó, ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga kiến nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung sau:
Một là, bổ sung quy định đối với trách nhiệm của UBND ở những nơi không có HĐND cùng cấp trong việc gửi nghị quyết, quyết định do mình ký ban hành đến HĐND cấp trên chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký (tại khoản 2 Điều 7, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát). Vì trong dự thảo Luật sửa đổi chỉ nêu “UBND có trách nhiệm gửi quyết định mà mình đã ban hành đến Thường trực HĐND, Ban của HĐND cùng cấp có liên quan chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản”. ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga cho rằng, thực tế có một số địa phương thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị, UBND sẽ không có HĐND cùng cấp. Nên việc bổ sung này là phù hợp với khoản 1 Điều 5a dự thảo luật, về thẩm quyền giám sát của HĐND cấp trên đối với chính quyền đô thị
Hai là, bổ sung quy định về trách nhiệm cụ thể mang tính bắt buộc đối với các chủ thể là các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, được quy định tại Điều 8 dự thảo Luật.
Việc bổ sung là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, vừa theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, nhưng cũng vừa đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời đối với các kết luận, kiến nghị giám sát. Bên cạnh đó cũng cần bổ sung quy định chế tài xử lý trong trường hợp quá thời hạn mà tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị hoặc thực hiện không đúng yêu cầu.
Ba là, bổ sung quy định chi tiết hơn về quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia giám sát, nêu tại điều 9 dự thảo Luật quy định tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân. ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga cho rằng cần bổ sung đối tượng là “Nhân dân” được tham gia trong hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực người đứng đầu cơ quan Nhà nước nói riêng.
Bởi lẽ, quyền của Nhân dân đã được Pháp Luật quy định tại Điều 2 Hiến pháp 2013, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nhân dân có quyền tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ công quyền thực thi quyền lực nhà nước. Việc luật hóa quyền tham gia giám sát của Nhân dân đối với các hoạt động trên sẽ giúp Nhân dân xác định rõ nội dung, phạm vi hoạt động, quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia giám sát nhằm đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân theo quy định pháp luật.
Bốn là, đối với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở Trung ương, quy định tại Điều 40, ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga kiến nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát thể chế hóa các quan điểm của Đảng được nêu tại điểm 8 mục IV, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung thì chỉ nêu quy định về việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo chưa quy định về xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu ký, ban hành văn bản trái pháp luật. Đề nghị ban soạn thảo quan tâm thể chế hóa trong dự thảo Luật về quan điểm của Đảng: “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó; quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn, lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý”.
Năm là, đề nghị bổ sung quy định về phối hợp công tác giữa giám sát của Nhân dân thông qua MTTQ; ban thanh tra Nhân dân với hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, không làm trùng lắp và làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Vì trên thực tế hiện nay, tại một thời điểm có thể có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị cùng thực hiện, nên có thể trùng lắp, chồng chéo, gây khó khăn cho cơ quan tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra, giám sát. Do vậy, trong dự thảo cần phải thiết kế, phân định rõ về chủ thể, quyền trách nhiệm chủ thể, nội dung, phương thức, biện pháp, quy trình và quy chế phối hợp chặt chẽ giữa giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của các cơ quan Quốc hội, giám sát HĐND các cấp với giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hàng năm, không để xảy ra tình trạng chồng chéo hay bỏ sót lĩnh vực, đối tượng cần giám sát.
Theo ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga, việc bổ sung các nội dung nêu trên, sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp.