ĐBQH: Công đoàn cơ sở hiện như 'cậu bé tý hon khoác áo quá lớn'

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng hoạt động của công đoàn cơ sở thời gian qua như 'một cậu bé tý hon khoác trên mình một cái áo quá lớn', lúng túng và bất lực.

Cần phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của công đoàn cơ sở

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Góp ý tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật cần có thêm một mục riêng để quy định về trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở

Ông Thường phân tích, công đoàn cơ sở có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống công đoàn. Đây là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại nghị trường.

"Công đoàn cơ sở có mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh, song thực tế cho thấy hoạt động của công đoàn cơ sở thời gian qua còn rất nhiều lúng túng, kém hiệu quả. Vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt. Năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện, bảo vệ của công đoàn cơ sở vẫn là khâu yếu", ông Thường đánh giá.

Về nguyên nhân, theo đại biểu đoàn Hà Nội, có một lý do là chúng ta chưa có quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng cho công đoàn cơ sở. Đây không chỉ là định chế pháp luật đơn thuần, mà còn là những định hướng, dẫn dắt, tạo thuận lợi trong triển khai, áp dụng cho công đoàn cơ sở.

Việc quy định chung chung quyền, trách nhiệm cho tất cả các cấp công đoàn và các loại hình công đoàn cơ sở như trong dự thảo Luật là chưa hợp lý và chưa khoa học.

Song song với đó, theo ông Thường, ban soạn thảo cũng cần tách riêng trách nhiệm, quyền hạn của công đoàn cơ sở ở hai khu vực công và tư.

Vì công đoàn ở khu vực công hiện nay cũng rất lớn, cả về số lượng cơ sở và số đoàn viên. Có địa phương số đoàn viên là công chức viên chức chiếm trên 70%. Trong khi đó mỗi loại hình công đoàn ở các khu vực này đều có những đặc thù, trách nhiệm, quyền hạn khác nhau.

Lúng túng và bất lực

Cho rằng công đoàn một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm, ông Thường chỉ ra thực tế hiện nay, công đoàn cơ sở được ví như "một cậu bé tí hon đang khoác một cái áo quá lớn", lúng túng và bất lực.

Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động.

Vì vậy, cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động. Trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu.

2% phí công đoàn nên để Chính phủ thống nhất quy định thu, quản lý, sử dụng

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cùng nhiều đại biểu cho ý kiến về mức đóng 2% phí công đoàn theo quy định hiện hành. Đa phần các đại biểu đồng ý giữ nguyên mức này.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đánh giá việc tiếp tục quy định thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở.

Tuy nhiên, ông Thường cho rằng, nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 18/6.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 18/6.

"Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí. Đồng thời, cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn", ông Thường nói.

Cùng tán thành việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, dự thảo Luật đã kế thừa và giữ nguyên đối tượng, mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành.

Việc giữ ổn định quy định và nghĩa vụ nộp kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thực hiện từ năm 1957 cho đến nay nhằm đảm bảo phúc lợi ổn định cho người lao động. Đồng thời, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ cho đoàn viên người lao động.

Đặc biệt, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dbqh-cong-doan-co-so-hien-nhu-cau-be-ty-hon-khoac-ao-qua-lon-192240618105713978.htm
Zalo