Dạy thêm không quản được, dễ 'biến tướng'
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật trong xã hội, bởi nhiều giáo viên mong muốn được dạy thêm để vừa tận dụng kiến thức, kinh nghiệm vừa tăng thêm thu nhập. Nhiều phụ huynh cũng muốn con mình được học thêm để củng cố kiến thức chắc chắn hơn.
Tuy nhiên, hoạt động dạy thêm diễn ra lâu nay vẫn luôn là nỗi trăn trở, thậm chí là bức xúc của nhiều phụ huynh và học sinh khi hoạt động này bị lạm dụng một cách quá mức, tạo ra những áp lực không đáng có.
Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu không cho con đi học thêm, đến khi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ mà bị điểm thấp coi như “công toi” khi xét tuyển vào đầu cấp học tiếp theo.
Phụ huynh sẽ ủng hộ việc dạy thêm, nếu hoạt động này không bị lạm dụng, không xảy ra những biểu hiện như: giáo viên dạy trên lớp thì “phất phơ” để sau đó buộc học sinh phải đến nhà học thêm; những học sinh “chịu khó” đi học thêm thì ở lớp được ưu ái hơn, kiểm tra bài thường “trúng tủ” hơn, điểm số cũng cao hơn, còn học sinh không đi học thêm có thể sẽ bị thiệt thòi, thậm chí bị giáo viên “làm khó”.
Thực tế lâu nay, việc dạy thêm đã bị tạm dừng, chờ Bộ Giáo dục và đào tạo sửa đổi một số quy định đến hoạt động này nhưng việc dạy thêm vẫn âm thầm diễn ra với danh nghĩa phụ huynh tự nguyện, hay bằng cách nào đó.
Việc nhận diện hoạt động dạy thêm thực sự đàng hoàng hay đang bị lạm dụng là điều rất khó để xử lý đối với giáo viên có hành vi này. Bên cạnh đó, trước lợi ích không nhỏ về kinh tế của việc dạy thêm mang lại, nếu không quản được sẽ để lại rất nhiều hệ lụy xấu, tiêu cực trong nhà trường. Muốn vậy, mỗi giáo viên dạy thêm phải tuân thủ các quy định về dạy thêm, học thêm; phụ huynh phải giám sát và kịp thời phản ảnh những hành vi không đúng trong dạy thêm, học thêm để yêu cầu chấn chỉnh, đưa hoạt động này vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu của xã hội.