Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp
Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp được quan tâm rất lớn. Thành phố tạo cơ chế tháo gỡ khó khăn, nhưng nếu năng lực nhà thầu kém thì phải đề xuất xử lý, không thể để dự án kéo dài gây lãng phí.
Sáng 11/12, tại phiên chất vấn Kỳ họp 20 HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Duy Chính (đại biểu tổ Hoàng Mai) nêu, Thành phố đã có chủ trương về xây dựng và phát triển các KCN và cụm công nghiệp nhưng vẫn còn chậm trễ, đề nghị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố làm rõ nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy triển khai sớm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các KCN của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, trong thời gian qua, từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ Thành phố đã có Nghị quyết, trong đó có chỉ tiêu phát triển từ 2-5 KCN. Từ đó đến nay, Thành phố đã triển khai quyết liệt, trình các Bộ ngành, Chính phủ, hiện đã được phê duyệt 4 cụm công nghiệp và KCN Bắc Từ Liêm đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Thành phối đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cố gắng phê duyệt KCN Bắc Từ Liêm trong quý 1 năm 2025.
“Như vậy so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Thành phố đề ra, chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu ở mức cao nhất”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, quá trình triển khai thực hiện cũng có nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng… Trong khi thực hiện, Chủ tịch UBND Thành phố đã có nhiều chỉ đạo thúc đẩy tháo gỡ khó khăn. Đến giờ phút này cơ bản các vướng mắc đã được tháo gỡ.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lấy ví dụ liên quan đến Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội kéo dài gần 20 năm đã được tháo gỡ, vừa qua HĐND Thành phố đã thông qua quy hoạch phân khu, nhà đầu tư đang thúc đẩy quy hoạch chi tiết; vấn đề tái định cư, xử lý đường điện đã có phương án.
Tuy nhiên, có dự án KCN sạch Sóc Sơn, sau khi dịch Covid-19 năng lực nhà đầu tư dự án này yếu kém. Thành phố đã có đề nghị huyện Sóc Sơn và Ban Quản lý KCN và Chế xuất tháo gỡ khó khăn, thực hiện biện pháp nếu chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thì có giải pháp mạnh hơn nữa. Với các KCN, cụm công nghiệp khác Thành phố đang đôn đốc, lựa chọn nhà đầu tư…
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, các KCN, cụm công nghiệp được quan tâm rất lớn, Thành phố tạo cơ chế tháo gỡ khó khăn, nhưng nếu năng lực nhà thầu kém thì phải đề xuất xử lý chứ không thể để dự án kéo dài gây lãng phí.
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Minh Sơn (tổ đại biểu huyện Mỹ Đức) hỏi trong nhóm khu công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020 đang có 12 KCN đang giải phóng mặt bằng. Đến nay nhiều khu chưa giải phóng mặt bằng được 50%; 3 KCN chưa lập phương án giải phóng mặt bằng, trong đó có KCN Hữu Bằng và Bình Phú giai đoạn 2 ảnh hưởng không nhỏ đến triển khai dự án. Đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết tiến độ của 2 KCN trên?
Trả lời kiến nghị này, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Đối với cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng và Bình Phú huyện cam kết đến năm 2025 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Chủ tịch huyện Thạch Thất kiến nghị công tác giải phóng mặt bằng đến đâu thì cho triển khai san lấp mặt bằng và triển khai dự án đến đó.