Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Nhiều sản phẩm văn hóa với công nghệ hiện đại đã được giới thiệu đến đông đảo du khách trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá…
Quần thể Di tích Cố đô Huế với hệ thống đồ sộ các công trình di tích có lối kiến trúc cung đình độc đáo và không ít di tích cũng bị hư hại, xuống cấp theo thời gian và ảnh hưởng của thiên tai. Nhằm lưu giữ nguồn dữ liệu về những yếu tố gốc của các công trình di tích cho muôn đời sau, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai công tác số hóa scan 3D các công trình di tích quan trọng. Trong đó, gần đây nhất phải kể đến là công tác số hóa 3D công trình di tích điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các (Đại Nội Huế).
Trước khi trùng tu di tích điện Thái Hòa - một công trình quan trọng bậc nhất tại khu di sản Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với công ty AGS Technologies thực hiện số hóa scan 3D di tích này.
Toàn bộ dữ liệu và hình ảnh thu thập được sau khi quét scan từ công trình di tích đã được các chuyên gia chuyển đổi thành các mô hình 3D ảnh thực. Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc thực hiện scan 3D di tích Điện Thái Hòa đã đưa lại nhiều kết quả tích cực trong việc nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu công trình này. Dữ liệu dạng số của công trình đã được chia sẻ với các đơn vị liên quan khi triển khai công tác bảo tồn và tu bổ di tích để có sự tham chiếu chính xác về kích thước, mặt cắt, màu sắc… trong quá trình trùng tu.
Hiện nay, dự án “Bảo tồn và tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” đang chuẩn bị hoàn thành, đảm bảo các yếu tố nguyên gốc của di tích. Số hóa 3D công trình di tích điện Thái Hòa cũng đã tạo sản phẩm hình ảnh 3D và VR360 phục vụ du khách tham quan tìm hiểu khi di tích này phải hạ giải để thực hiện trùng tu suốt 2,5 năm qua.
Vừa qua, Trung tâm cũng đã ứng dụng công nghệ 360 để số hóa Kinh thành Huế, Lầu Tàng Thơ, và một số địa điểm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Dự kiến, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai ở các công trình di tích khác.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời gian qua, trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ phục vụ công tác quản lý vận hành; dịch vụ bán vé điện tử; quét mã QR phục vụ du khách tham quan tìm hiểu tại các điểm di tích; khai thác các sản phẩm trải nghiệm thực tế ảo VR, XR tại Đại Nội Huế, góp phần đưa di sản đến gần với cộng đồng du khách.
Đặc biệt, đơn vị đã triển khai số hóa nguồn tư liệu, hiện vật, các giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội, phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị về lâu dài. Đã có hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm, 172 hồ sơ (hồ sơ di tích, hồ sơ khảo cổ, hồ sơ di sản…), 250 ảnh sắc phong, 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cũng đã được số hóa… Riêng cổ vật, hiện vật quý triều Nguyễn, đến nay đã có 207 cổ vật quý, đặc trưng bao gồm 33 hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia đã được scan, số hóa 3D. Những cổ vật được số hóa, vừa phục vụ lưu trữ, vừa được giới thiệu đến du khách bằng các sản phẩm công nghệ số.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, tháng 5 vừa qua, Trung tâm đã tiên phong trong việc tích hợp công nghệ để định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Từ đây, du khách có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật. Đồng thời, trung tâm cũng ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro tại museehue.vn, đưa các cổ vật “đến gần” với công chúng. “Việc định danh các cổ vật trên môi trường mạng giúp cho du khách ở mọi nơi trên thế giới biết đến nhiều hơn về cổ vật, về bảo tàng.
Du khách có nhiều trải nghiệm tham qua hấp dẫn hơn với các công nghệ khách nhau. Đồng thời, xác định được bản quyền, các sản phẩm có nguồn gốc, giúp cho việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế văn hóa theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản” - đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.
Tại các công trình di tích ở khu di sản Hoàng cung Huế và nhiều điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, Trung tâm cũng đã triển khai ứng dụng cung cấp thông tin qua mã QR. Có thể kể đến như: điện Long An, cung An Định, bia tiến sĩ tại Văn Miếu, bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, hệ thống thông tin tại khu vực điện Phụng Tiên… Ngoài ra, Trung tâm trải nghiệm thực tế ảo “Đi tìm Hoàng cung đã mất” ở bên trong khu di sản Đại Nội Huế cũng đã và đang khai thác các sản phẩm trải nghiệm di sản văn hóa với công nghệ VR, XR hấp dẫn du khách.