Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình
(ABO) Bạo lực gia đình vẫn là một thách thức nghiêm trọng trong đời sống xã hội, đòi hỏi sự chung tay của toàn cộng đồng. Thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình.
Trong năm 2024, huyện Cai Lậy với thông điệp “Chấm dứt bạo lực vun đắp yêu thương”, các cấp và các ngành trên địa bàn huyện đã nỗ lưc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, địa phương quyết liệt triển khai các hoạt động nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực để tạo sự gắn kết cho các gia đình trên địa bàn.
Có thể nói, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Trên cơ sở đó, địa phương cũng đã tập trung nghiên cứu, thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền để hội viên, phụ nữ và nhân dân hiểu, biết về bạo lực gia đình.
Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cai Lậy triển khai các hình thức tuyên truyền như trên sóng phát thanh, trực quan sinh động, trong các buổi sinh hoạt chi - tổ hội, các buổi họp dân, tọa đàm, hái hoa dân chủ, văn hóa, văn nghệ… Nội dung tuyên truyền về hành vi bạo lực gia đình; nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; các quyền của người bị bạo lực gia đình; địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về các hành vi bạo lực gia đình; trình tự giải quyết tin báo, tố giác bạo lực gia đình…
Bà Lê Thị Thắm, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Được thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tôi thấy rất có ích vì giúp bản thân có cách nhìn nhận về các vấn đề xảy ra trong cuộc sống tích cực hơn. Từ đó, vợ chồng tôi cũng có cách cư xử phù hợp và làm gương cho các con noi theo”.
Quán triệt nghiêm tinh thần Chỉ thị 06-CT/TW gày 24-6-2021 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, thời gian qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình và dân số” huyện Cai Lậy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác bình đẳng giới; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn huyện Cai Lậy… Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Bên cạnh đó, thời gian qua, huyện Cai Lậy còn tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hưởng ứng các hoạt động về gia đình… Kết quả, đến nay, trên địa bàn huyện có 122/122 ấp, khu phố có Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, đạt 100%; 122/122 ấp, khu phố có đội, nhóm phòng chống bạo lực gia đình và 30 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng". Đồng thời, trên địa bàn huyện có 5 “Tổ an toàn phụ nữ và trẻ em” duy trì và hoạt động thường xuyên.
Bà Trần Thị Hằng, một gia đình văn hóa ở khu phố Bình Ninh, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Để xây dựng một gia đình văn hóa, không để tình trạng bạo lực gia đình xảy ra, từ khi lập gia đình cho đến nay, vợ chồng tôi luôn thống nhất về việc giải quyết các vấn đề phát sinh hay các mâu thuẫn nếu có bằng cách là chồng nói thì vợ nghe, góp ý và ngược lại, miễn sao mục đích cuối cùng là tốt nhất cho gia đình. Đồng thời, các thành viên trong gia đình ngoài thời gian dành cho công việc thì cũng đồng hành, cùng chia sẻ, động viên nhau để mọi thành viên trong gia đình thật sự yêu thương, gắn kết với nhau”.
Theo UBND huyện Cai Lậy, thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác gia đình. Tăng cường công tác tuyên truyền về gia đình để nâng cao kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các gia đình tiên tiến, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực để tạo sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.