Đẩy mạnh số hóa trong xử lý thủ tục, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ

Chuyên gia đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ để tăng cường minh bạch, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ công quyền.

Ngày 14.7, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Vướng mắc thủ tục gây khó doanh nghiệp

Tại hội thảo, luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay khi tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, các doanh nghiệp có thể tham gia liên danh với nhau để bảo đảm điều kiện, tiêu chí về mặt tài chính, năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án.

Tuy nhiên khi giao đất, cho thuê đất các nhà đầu tư liên danh phải thành lập doanh nghiệp dự án (tổ chức kinh tế thực hiện dự án), chứ không giao đất, cho thuê đất cho liên danh.

Ví dụ, liên danh giữa doanh nghiệp A và doanh nghiệp B trúng thầu dự án khu đô thị. Hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư và hợp đồng dự án đều đứng tên liên danh. Tuy nhiên, đến bước giao đất, các doanh nghiệp này bắt buộc phải thành lập một tổ chức kinh tế mới (doanh nghiệp dự án) để được giao hoặc thuê đất.

Theo ông Tuấn, quy định pháp luật về đấu thầu (cho phép các doanh nghiệp liên danh để tham gia đấu thầu) với quy định pháp luật đất đai (không giao đất, cho thuê đất cho liên danh, chỉ giao đất cho một doanh nghiệp) mâu thuẫn, phát sinh thủ tục chi phí cho doanh nghiệp.

“Tình trạng này giống như việc cho phép nam và nữ kết hôn (tức cho phép liên danh nhà đầu tư), nhưng lại không cho khai sinh con chung (tức không có cơ chế giao đất cho liên danh sau khi trúng thầu)”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam cũng cho hay có sự chồng chéo và thiếu nhất quán giữa các luật: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường; trong khi đây là những đạo luật cốt lõi chi phối toàn bộ vòng đời của một dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam

Chẳng hạn, việc thẩm định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo Luật Đất đai, thẩm định thiết kế cơ sở theo Luật Xây dựng, và thẩm định báo cáo ĐTM theo Luật Bảo vệ môi trường thường diễn ra độc lập, không có sự phối hợp chặt chẽ về mặt thời gian và nội dung.

“Điều này buộc nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước lặp lại, nộp hồ sơ trùng lặp, hoặc chờ đợi lẫn nhau giữa các khâu, làm chậm đáng kể tiến độ triển khai dự án”, ông Chung nói.

Với thủ tục tiếp cận đất đai, ông Chung nhìn nhận đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với nhà đầu tư. Từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch, đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... mỗi bước đều tiềm ẩn nguy cơ kéo dài thời gian.

Đặc biệt, việc xác định giá đất cụ thể theo phương pháp thẩm định còn thiếu rõ ràng, thường xuyên chậm trễ, dẫn đến việc nhà đầu tư không thể sớm hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất đai để triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Về chính sách thuế, một số quy định về điều kiện hưởng ưu đãi thuế, đặc biệt là ưu đãi cho dự án công nghệ cao, dự án khuyến khích đầu tư, còn chưa thực sự rõ ràng; thủ tục hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vẫn còn phức tạp và thời gian giải quyết kéo dài.

“Điều này không chỉ gây khó khăn về tài chính mà còn làm giảm niềm tin và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư”, ông Chung nói.

Đẩy mạnh số hóa để cải cách hành chính

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Hồng Chung cho rằng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư có liên quan; ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, tránh các quy định chung chung, dễ gây tranh cãi trong thực tiễn áp dụng.

“Cần nghiên cứu và xây dựng một nền tảng cơ sở dữ liệu pháp lý quốc gia tập trung, dễ dàng tra cứu, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin một cách thuận tiện và chính xác nhất”, ông Chung nói.

Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”

Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”

Ông Chung cũng cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai (giải phóng mặt bằng, xác định giá đất) và xây dựng (thẩm định thiết kế, cấp phép).

Ngoài ra, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ để tăng cường minh bạch, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ công quyền; phát triển các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đảm bảo tính tiện lợi và hiệu quả.

Các chuyên gia cũng đề nghị xây dựng cơ chế "một cửa liên thông" thực chất và hiệu quả hơn nữa tại các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các sở ngành trong việc giải quyết các thủ tục đánh giá tác động môi trường, PCCC, xây dựng, giúp doanh nghiệp chỉ cần nộp bộ hồ sơ duy nhất cho nhiều thủ tục liên quan.

Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại công - tư một cách thực chất giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch và hiệu quả…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/day-manh-so-hoa-trong-xu-ly-thu-tuc-giam-tiep-xuc-truc-tiep-giua-doanh-nghiep-va-can-bo-234923.html
Zalo