Đẩy mạnh phát triển công tác xã hội
Hiện nay, công tác xã hội đã được công nhận là một nghề chuyên nghiệp theo Nghị định số 110/2024/NĐ-CP ngày 30/8/2024 của Chính phủ.

Tổ công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng kết nối nhà hảo tâm đến trao tiền giúp đỡ bệnh nhân đặc biệt khó khăn tiếp tục điều trị bệnh
Lâm Đồng hiện có 3 cơ sở trợ giúp xã hội công lập: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Thuận, Trung tâm Bảo trợ xã hội Đắk Nông. Bên cạnh đó còn có các Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (hiện nay do Công an tỉnh quản lý) có thực hiện cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Trên địa bàn 51 xã, phường thuộc tỉnh Lâm Đồng có 17 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng gần 1.000 đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng yếu thế khác. Các cơ sở có đội ngũ viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có nhân viên có chuyên môn đào tạo về công tác xã hội, chỉ có Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có 2/25 viên chức đúng chuyên ngành về công tác xã hội và từ năm 2021 đến nay, đa số viên chức tại Trung tâm đã tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ công tác xã hội chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Đối với các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế cấp huyện đã thành lập Tổ Công tác xã hội có từ 5 - 7 thành viên và cộng tác viên là điều dưỡng trưởng các khoa với nhiệm vụ thường xuyên là: Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động tiếp nhận tài trợ; hỗ trợ các nhân viên y tế; tổ chức đội ngũ cộng tác viên làm công tác xã hội tại bệnh viện; tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng.
Theo đánh giá của Sở Y tế Lâm Đồng, chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt các mục tiêu, chỉ tiêu. Cụ thể, đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội.
Đảm bảo ít nhất có 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trại giam, hệ thống tư pháp, ngành lao động - thương binh và xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội. Đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% so với năm 2020.
Bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
Kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2026-2030, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.