Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực luật sư

Việc phân cấp thực hiện các nhiệm vụ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực luật sư cho địa phương sẽ tạo điều kiện cho công dân thực hiện ngay tại địa bàn, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, từ đó giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Ngày 11/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2025/NĐ-CP quy định về trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Nghị định quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần điều chỉnh để thực hiện phân quyền, phân cấp.

Qua rà soát Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tư pháp được giao thực hiện 24 nhiệm vụ, trong đó có 20 thủ tục hành chính.

Thực hiện chủ trương phân quyền phân cấp, Nghị định 121/2025NĐ-CP đã có quy định phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ và thủ tục hành chính sau đây: Cấp Chứng chỉ hành nghề (2 thủ tục hành chính); Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư; Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư (2 thủ tục hành chính); Công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài; Giải quyết khiếu nại của luật sư trong trường luật sư không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Liên đoàn luật sư Việt Nam đối với trường hợp luật sư bị kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng và xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

 Luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa ở tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: HƯƠNG NGUYÊN)

Luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa ở tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: HƯƠNG NGUYÊN)

Đối với các thủ tục hành chính liên quan cấp phép cho luật sư nước ngoài và tổ chức luật sư nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam không thực hiện phân cấp cho địa phương.

Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Tư pháp cho rằng việc phân cấp các nêu trên cho địa phương sẽ tạo điều kiện cho công dân thực hiện thủ tục hành chính ngay tại địa bàn, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, từ đó có thể giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nói chung, lĩnh vực luật sư nói riêng, theo quy định mới về phân quyền phân cấp thì Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện. Đây không phải việc hoàn toàn mới đối với Sở Tư pháp, vì theo quy định hiện nay trước khi gửi hồ sơ lên Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp là nơi tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra ban đầu.

Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian tới bộ sẽ tăng cường hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc cho địa phương. Bên cạnh việc thiết lập đường dây nóng và giao Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm đầu mối để hướng dẫn giải đáp các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, bộ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn luôn sẵn sàng tiếp nhận, hướng dẫn giải đáp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương về các lĩnh vực thuộc lĩnh vực quản lý.

Đánh giá về Nghị định 121/2025/NĐ-CP, luật sư Lê Thị Thu Hà, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định, nghị định chỉ thay đổi về thủ tục hành chính, không thay đổi nguyên tắc thực hiện. Theo đó, các điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư vẫn căn cứ vào quy định Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012, 2015), các bước thẩm định, đánh giá vẫn do Sở Tư pháp thực hiện, chỉ phân quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư.

Mặc dù thẩm quyền cấp được chuyển về địa phương, Bộ Tư pháp vẫn có vai trò quản lý Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên phạm vi toàn quốc.

Việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp chứng chỉ hành nghề luật sư là nhằm tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động luật sư tại địa phương, từ đó có thể nâng cao hiệu quả quản lý. Đồng thời, giúp giảm tải công việc đối với cấp Trung ương, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, luật sư Hà cũng đề xuất tất cả các thủ tục hành chính này cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch, qua đó thúc đẩy việc giải quyết được công bằng, khách quan.

Trong trường hợp có dấu hiệu không khách quan, minh bạch, theo luật sư Hà, có thể áp dụng ngay cơ chế ủy quyền cho Bộ Tư pháp khi xảy ra xung đột, dựa trên Nghị quyết 190/2025/QH15 của Quốc hội về phân cấp tạm thời.

Trước ý kiến băn khoăn về việc giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có thể gây ra phức tạp trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính khi đối tượng bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, đồng thời là người cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, luật sư Thu Hà cho rằng, Luật Luật sư đã quy định rất cụ thể về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.

Vì vậy, trong trường hợp này, Bộ trưởng Tư pháp hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi xem xét cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư đều phải căn cứ vào quy định của Luật Luật sư.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Khiếu nại, người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp bị từ chối cấp hay bị thu hồi chứng chỉ. Thêm vào đó, trong trường hợp luật sư không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại lần hai lên Bộ trưởng Tư pháp.

THU HẰNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-phan-quyen-phan-cap-trong-linh-vuc-luat-su-post891427.html
Zalo