Đẩy lùi tác nhân gây ô nhiễm môi trường

Sáng qua (1/11), tất cả trạm quan trắc nội thành của Sở TN&MT Hà Nội thông báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém đến rất xấu, tương đương AQI 100 - 200, có thể ảnh hưởng sức khỏe.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trạm chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đặt tại quận Long Biên lúc 8h hiển thị AQI 169, tương đương ngưỡng xấu. Hệ thống tổng hợp tự động dữ liệu ô nhiễm không khí IQAir xếp Hà Nội là TP ô nhiễm thứ hai thế giới với chỉ số 210, sau Delhi của Ấn Độ 470.

Bộ TN&MT nhận định, từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội diễn biến xấu do một trong các nguyên nhân là tập trung nhiều hoạt động giao thông chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cũng trong ngày hôm qua, sau một tuần lấy ý kiến người dân vào dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ), Hà Nội đưa ra dự thảo lần hai với quy định cụ thể hơn, phạm vi khu vực hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường được mở rộng.

Dự thảo mới đưa ra 6 tiêu chí xác định các khu vực hạn chế phát thải, gồm toàn bộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế phát thải theo quy hoạch Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050. Đó là các khu dân cư tập trung tại 12 quận hiện nay, 5 quận dự kiến thành lập giai đoạn 2020 - 2025, TP phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); TP phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).

Thứ hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông theo tiêu chuẩn quốc gia về đường đô thị. Ngoài ra, các khu vực có chất lượng không khí kém, đặc biệt là những nơi không đạt chuẩn quốc gia trong ít nhất 1 năm, hoặc nơi có thể áp dụng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn và có sự đồng thuận cao từ người dân; cũng sẽ được đưa vào danh sách. Các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Trước mắt, Hà Nội dự kiến khuyến cáo các quận, huyện cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải; hạn chế, có thu phí với phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải. Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng LEZ, hạn chế xe gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu 2025.

Bảo vệ môi trường, loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm là việc bắt buộc phải làm. Về thực tế, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đã và đang rất tệ như nêu trên. Về cơ sở pháp lý, Luật Thủ đô đã quy định khu vực hạn chế phát thải sẽ được áp dụng biện pháp hạn chế giao thông phù hợp. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng đã quy định xe máy cũng sẽ phải kiểm định khí thải. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay cần làm là tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức mỗi người dân; có lộ trình phù hợp để khắc phục hoặc loại bỏ các phương tiện giao thông gây ô nhiễm… Tất cả nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống cho chúng ta, cho mọi người.

Huỳnh Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/day-lui-tac-nhan-gay-o-nhiem-moi-truong-post530590.html
Zalo