Dạy bơi trong trường học: Khó vì không có bể bơi

Trong số 25.307 trường học của cả nước, chỉ có 2.184 trường có bể bơi, chiếm tỷ lệ chưa đến 9%. Triển khai dạy bơi trong nhà trường dù sẵn về đội ngũ nhưng lại thiếu bể bơi.

Học sinh học bơi tại Trường Tiểu học Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 2024.

Học sinh học bơi tại Trường Tiểu học Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 2024.

Để không còn những hối tiếc

Ngày 1/7, nhóm 3 chị em rủ nhau ra khu vực suối Khe Hon ở xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ để tắm, không may 2 em trong nhóm bị đuối nước, tử vong. Đây là suối tự nhiên cách xa khu dân cư, vắng vẻ, thường không có người tắm.

Trước đó, ngày 3/6, tại Quảng Ninh, 2 cháu bé 4 tuổi và 7 tuổi bị đuối nước trong bể bơi căn hộ nghỉ dưỡng thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Ngày 15/6, 3 cháu nhỏ trú ở xã Đắk Drô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) cùng bị đuối nước và tử vong thương tâm tại các ao nước gần nhà.

Trong 2 ngày liên tiếp 18 và 19/5 xảy ra 2 vụ đuối nước ở Đắk Lắk làm 4 cháu nhỏ tử vong, trong đó có 2 cháu cùng trú xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) đuối nước tại ao chứa nước phục vụ sản xuất của người dân trên địa bàn xã; 2 cháu cùng trú buôn H’đơk, xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) đuối nước khi tắm tại hồ gần đó.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới. Mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng đây vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi. Trẻ em từ 6 – 15 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển. Nhiều trường hợp, các em gặp nạn khi đang cố gắng cứu bạn mình.

Đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh chung đối với tất cả mọi người. Không riêng trẻ em, một số người lớn biết bơi, thậm chí bơi giỏi vẫn có thể là nạn nhân của tai nạn đuối nước. Vì vậy, việc loại trừ những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước là hết sức cần thiết. Điều này tất nhiên không dễ bởi Việt Nam có đường bờ biển dài; số lượng ao hồ, sông suối, kênh mương lớn... Tuy nhiên, công tác phòng, chống đuối nước vẫn hoàn toàn có thể đạt kết quả như mong muốn nếu cả cộng đồng vào cuộc.

Mở rộng dạy bơi trong nhà trường

Chương trình Phòng, chống đuối nước tại Việt Nam cùng Chính phủ hướng tới việc thực hiện mục tiêu đã đề ra trong Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, hướng đến 50% trẻ em từ 6-15 tuổi biết bơi, 60% trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, các biện pháp phòng chống đuối nước bao gồm dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, đồng thời thường xuyên giám sát trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của người thân, bởi thực tế trong nhiều vụ việc do sơ suất của người lớn đã không kịp thời để ý đến con em mình. Thậm chí, một số vụ đuối nước xảy ra ngay trong lúc cha mẹ đưa con em đi học tập, vui chơi nhưng tâm trí lại sao nhãng, không chú ý đến con em mình trong một vài phút nhưng hậu quả vô cùng tàn nhẫn…

Nhưng nếu chỉ quy trách nhiệm cho riêng gia đình thôi thì chưa đủ. Ngăn ngừa thực trạng đuối nước không đơn thuần là câu chuyện của riêng mỗi gia đình mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng trong việc cảnh tỉnh nhận thức của toàn xã hội đầy đủ, kịp thời về mối nguy hiểm này. Đồng thời có các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ, đặc biệt là dạy bơi. Tuy nhiên, việc triển khai dạy bơi trong trường học hiện đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất khiến công tác “phổ cập bơi” cho học sinh chưa đạt hiệu quả cao.

Với số bể bơi hạn chế, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các bể bơi trong trường học vẫn còn những bất cập như kinh phí duy trì bể bơi không dễ, học sinh ở miền Bắc chỉ có thể học bơi vào mùa hè… Mặc dù một số trường học đã kết hợp với các bể bơi của trường bạn cùng khu vực, các trung tâm thể dục thể thao trên địa bàn… nhưng với số học sinh phổ thông lớn, gần 18 triệu em, chiếm gần 1/5 dân số, số bể bơi này vẫn như “muối bỏ bể”, chưa thể đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao cho học sinh cũng như tổ chức dạy học môn bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại một số nhà trường.

Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để công tác phổ cập bơi đạt hiệu quả hơn nữa. Mỗi tổ chức, cá nhân có thể góp phần tiếp sức cho hoạt động này như vận động kinh phí tài trợ các hoạt động phòng, chống đuối nước ở địa phương; góp công, góp của để mở những lớp dạy bơi miễn phí; nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong phòng, chống đuối nước...

Đề án “Tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035” đang được xây dựng, sẽ có 80% học sinh được dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Đề án đặt mục tiêu có tối thiểu 65% học sinh lớp 5, 75% học sinh lớp 9 và 80% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn; tối thiểu 40% trường tiểu học; 20% trường THCS, THPT có bể bơi duy trì hoạt động hiệu quả hoặc 70% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho học sinh, trẻ em trên địa bàn. Ngoài ra, Đề án cũng đặt mục tiêu mỗi trường học có ít nhất 2 giáo viên đủ năng lực dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/day-boi-trong-truong-hoc-kho-vi-khong-co-be-boi-10284769.html
Zalo