Đau vai kéo dài tưởng ung thư không ngờ khớp vai đông cứng
Khớp vai thể đông đặc là bệnh khó điều trị. Khi bao khớp bị viêm dính, dày và xơ hóa dẫn đến đông đặc khớp làm mất chức năng khớp.
“Đông cứng khớp vai chiếm khoảng 2% dân số, thường gặp ở lứa tuổi 40 – 60, ở cả nam và nữ. Nếu không được điều trị rất dễ thành tàn phế”, TS.BS Nguyễn Quốc Dũng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ.
Tay mất vận động, xoa bóp, bấm huyệt… ngày càng đau
Bà N.H.L (51 tuổi), nhập viện trong tình trạng đau vai mạn tính kéo dài, hạn chế vận động nặng, Bà cho biết, vai tự nhiên đau khiến bà không thể giơ lên để mặc quần áo, chải đầu... Bà đã chạy chữa, tốn nhiều thời gian và tiền bạc, nhưng bệnh không khỏi.
Tại Trung tâm Y tế Quảng Yên (Quảng Ninh) bà được chẩn đoán mắc hội chứng đông cứng khớp vai kèm viêm rách gân chóp xoay - một bệnh lý phức tạp, đòi hỏi sự can thiệp điều trị đa phương thức và chính xác.
Trường hợp khác, anh Đ.V.H., 45 tuổi (Hà Nội), sáng ngủ dậy thấy khớp vai phải đau nhức, khó cử động. Dù đã tích cực xoa bóp, châm cứu bấm huyệt, nhưng tay ngày càng đau, không thể cử động.
Đi khám bệnh cổ vai khớp, viêm khớp vai, điều trị bằng thuốc chống viêm và vật lý trị liệu, nhưng không có kết quả. Chỉ đến khi anh được chẩn đoán bệnh đông cứng khớp vai, thực hiện gây mê bẻ vận động và tập lý trị liệu 3 tháng, tay phải mới cử động lại.

Gây mê phá đông trị đau khớp vai mạn tính kéo dài - Ảnh BVCC
TS.BS Nguyễn Quốc Dũng, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh đông cứng khớp vai đứng hàng hai trong nhóm bệnh lý viêm quanh khớp vai, còn được gọi là sự dính của bao khớp và đang gia tăng trong cộng đồng. Bệnh không chỉ gặp ở lứa tuổi trung niên mà có cả người trẻ 20 – 30 tuổi. Người lao động trí óc thường mắc nhiều hơn lao động chân tay.
TS. BS Trịnh Tú Tâm, Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh cho biết, viêm quanh khớp vai thể đông cứng xảy ra khi mô sẹo hình thành xung quanh khớp. Điều này làm cho bao khớp vai dày lên, cứng và căng hơn, khiến vai khó cử động, nếu cử động được thì rất đau.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đông cứng khớp vai gồm: Người bị bệnh tiểu đường (gặp trên khoảng 10 - 20% bệnh nhân đái tháo đường), bệnh lý nhược giáp, cường giáp, Parkinson và bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, cứng khớp vai có thể xuất hiện sau quá trình bất động khớp vai sau phẫu thuật khớp vai, gãy xương, hay chấn thương khác…
TS.BS Nguyễn Quốc Dũng cho hay, bệnh đông cứng khớp vai chiếm khoảng 2% dân số. Hiện chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân tự nhiên thấy đau quanh khớp vai không lan, sau đó hạn chế biên độ hoạt động và dần tàn phế - cánh tay chết.
Điều trị sớm tránh biến chứng
Bác sĩ Dũng cho biết, có 3 giai đoạn cứng khớp vai: Giai đoạn đông lạnh (vai bị đau ngày càng tăng, mất biên độ vận động, giai đoạn này kéo dài 6-9 tháng);
Giai đoạn đông cứng (dấu hiệu đau giảm dần, nhưng tay không cải thiện cứng, cử động rất khó khăn, kéo 4-6 tháng);
Giai đoạn rã đông (vận động khớp vai cải thiện từ từ, trả về hoạt động bình thường hay gần bình thường, trong vòng 6 tháng đến 2 năm).
Vì vậy, cứng khớp vai có thể trở nên tốt hơn theo thời gian trong khoảng 3 năm nhưng hầu hết nếu không không được điều trị, bệnh ngày càng nặng, cơn đau xảy ra thường xuyên, không dừng ở bả vai mà lan sang cổ, xuống cùi chỏ…
Khớp vai thể đông đặc là một thể bệnh khó điều trị. Khi bao khớp bị viêm dính, dày và xơ hóa dẫn đến đông đặc khớp làm mất chức năng khớp.
Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng khuyên, khi bị đông cứng khớp vai, bệnh nhân cần đi khám, điều trị sớm. Để nặng viêm và xơ dính nhiều không điều trị được nội khoa sẽ phải mổ cắt bỏ viêm, giải phóng các nút xơ dính trong khớp, sau đó tập vận động, thời gian sẽ lâu, tốn kém hơn rất nhiều.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu sau bẻ vận động khớp cho bệnh nhân - Ảnh BVCC
“Trường hợp đến sớm, chỉ cần vật lý trị liệu hoặc các bác sĩ gây mê giúp bệnh nhân mất cảm giác đau, giãn cơ và bẻ vận động khớp vai trong vòng 30 giây để giải quyết xơ dính khớp, sau đó tiêm 1 ống deponudron 40mg vào khớp để chống viêm và phòng chống dính lại.
Bệnh nhân tiếp tục được vật lý trị liệu bằng sóng ngắn, điện xung, sóng cao tần… tập trong vòng 2 – 3 tuần là cánh tay phục hồi, trở lại lao động bình thường”, bác sĩ Dũng cho biết.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị đông cứng khớp vai không được tự ý dùng thuốc giảm đau. Vì dùng thuốc giảm đau chỉ che lấp triệu chứng còn căn nguyên của bệnh vẫn vậy, nên bệnh càng trầm trọng hơn. Chưa kể, tác dụng phụ của thuốc giảm đau sẽ là cơ hội gây bệnh gan, thận.
Không dùng dầu nóng để xoa bóp cho đỡ đau. Điều này nguy hiểm bởi vì khi bôi dầu nóng cùng với các động tác xoa bóp mạnh sẽ làm cho bao khớp co rút nhiều. Càng xoa bóp, kéo nắn càng làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Phương pháp điều trị đông cứng khớp vai
Mục đích của việc điều trị đông cứng khớp vai là kiểm soát tình trạng đau và phục hồi sức lực cũng như khả năng cử động. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Dùng các loại thuốc kháng viêm không steroid để giảm đau và sưng
- Kéo nắn nhằm giải phóng các cơ bị bó chặt, tăng biên độ cử động
- Vật lý trị liệu giúp phục hồi khả năng cử động
- Tiêm steroid để giảm viêm, hỗ trợ cử động
- Phẫu thuật để giải phóng bao khớp bị ép chặt